Khẩn trương rà soát việc tiêm phòng vaccine trên đàn gia súc, gia cầm

Khẩn trương rà soát việc tiêm phòng vaccine trên đàn gia súc, gia cầm

Tỉnh Nghệ An đang cấp bách triển khai các giải pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm, tránh gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi và tốn kém cho ngân sách nhà nước.

Theo đó, giải pháp được tỉnh đề ra là: khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm, như viêm da nổi cục, cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn, tụ huyết trùng trâu, bò, lợn… đảm bảo tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn. Các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, không khai báo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.

Cùng với đó, tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật; trong đó có việc xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín, vùng chăn nuôi an toàn.

Riêng đối với các địa phương đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi, yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, không để dịch lây lan, dây dưa kéo dài và phát sinh ổ dịch mới.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cũng thành lập đoàn công tác tổ chức kiểm tra, dôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và công tác tiêm phòng vaccine gia súc, gia cầm năm 2022. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cũng triển khai việc cập nhật, báo cáo dịch bệnh qua hệ thống báo cáo trực tuyến (VAHIS); hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tỉnh Nghệ An hiện có tổng đàn trâu khoảng 268.595 con, bằng 99,85% cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò 503.304 con, tăng 3,51%; tổng đàn lợn 931.822 con, tăng 2,63%; tổng đàn gia cầm 31,22 triệu con, tăng 8,67%... Trên địa bàn tỉnh đã có 28 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 9 huyện, thành, thị; số lợn chết, tiêu hủy là 1.604 con.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, tuy các loại dịch bệnh nguy hiểm, như viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm đã được kiểm soát, không để phát sinh và lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, một số bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm đang có nhiều nguy cơ xuất hiện. Đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có xu hướng bùng phát trở lại, nhất là tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương, Đô Lương.

Theo đánh giá của cơ quan thú y thì nguy cơ các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Nguyên do tại Nghệ An, tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng hình thức nuôi nhỏ lẻ, nông hộ là chủ yếu; một số hộ chăn nuôi còn có tư tưởng giấu dịch, khi lợn mắc bệnh không khai báo mà vẫn cố tình giết mổ để tiêu thụ; mầm bệnh tồn lưu trong môi trường nhiều, trong khi việc tiêu độc khử trùng chưa được thực hiện thường xuyên; đến nay bệnh tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh.

Nguyễn Văn Nhật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm