Khám phá kho tàng tri thức vô tận từ sách ở Huế

Khám phá kho tàng tri thức vô tận từ sách ở Huế

Những ngày tháng 4 này, không khí đọc sách hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai diễn ra sôi nổi tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc. Ngày hội đã thực sự phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống tôn vinh sách, những người làm sách và phát triển phong trào đọc sách.

Khám phá kho tàng tri thức vô tận từ sách ở Huế ảnh 1Bạn đọc đến với ngày hội để thỏa lòng khám phá kho tàng tri thức vô tận từ sách. Ảnh: Tường Vi - TTXVN.

Khơi dậy tình yêu sách

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, năm 2023 được tổ chức trong khuôn viên trang nghiêm của Quốc Tử Giám (Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế), di tích trường đại học thời phong kiến còn lưu giữ, kết tinh văn hóa, trí tuệ của các thế hệ tri thức Việt. Những ngày qua, nơi đây đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân, du khách Cố đô Huế. Từ những người lớn tuổi, trung niên đến các bạn nhỏ, học sinh; nơi đồng bằng hay huyện miền núi xa xôi Nam Đông, A Lưới… đều về với ngày hội để thỏa lòng khám phá kho tàng tri thức vô tận từ sách.

16 gian hàng của 30 đơn vị xuất bản, phát hành lớn trên cả nước như Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Nhà xuất bản Quân đội, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Nhà xuất bản Kim Đồng… đã có dịp giới thiệu đến độc giả xứ Huế những kiến thức đồ sộ về văn hóa, lịch sử, trải nghiệm sống, khoa học, xã hội… qua những trang chữ.

Chia sẻ sự hài lòng khi được tiếp xúc với nhiều cuốn sách hay tại ngày hội, sinh viên Nguyễn Bá Trọng Nghĩa (Trường Đại học Nông lâm Huế) cho biết, các chương trình khuyến mãi tại một số gian hàng đã tạo điều kiện hấp dẫn để thu hút nhiều người dân đến tham quan, mua sách. Đây là cơ hội đặc biệt để các bạn trẻ được tiếp xúc những đầu sách mới, chất lượng của các nhà xuất bản uy tín và tìm ra cuốn sách tâm đắc, phù hợp cho bản thân mình. Từ đây, các bạn được khơi dậy niềm đam mê với sách, tạo thói quen đọc thay vì những hoạt động giải trí vô bổ chạy theo xu hướng như hiện nay.

Trên những chiếc ghế được đặt sẵn tại các gian hàng, nhiều em nhỏ chăm chú lật từng trang sách, trao đổi kiến thức cùng bố mẹ. Hầu hết các phụ huynh đưa con đến đầy đều với mục đích tạo không gian giải trí lành mạnh ngày cuối tuần cho con từ thói quen đọc sách, khám phá tri thức.

Khám phá kho tàng tri thức vô tận từ sách ở Huế ảnh 2Hội sách thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân, du khách Cố đô Huế. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Cầm trên tay cuốn sách tâm đắc “Lịch sử Việt Nam thường thức” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ chia sẻ, sách là người thầy, người bạn và cũng là một kho tàng kiến thức quý báu. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân địa phương. Đặc biệt, những người đam mê đọc sách được tiếp cận các nguồn sách đa dạng, phong phú; trau dồi kho tàng kiến thức về dân tộc cũng như tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, cội nguồn và tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của mỗi người…

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát huy và nhân rộng việc phát triển văn hóa đọc bằng những hoạt động xây dựng thói quen, phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lớp người trẻ và người dân vùng nông thôn. Tuần lễ đọc sách miễn phí, các buổi nói chuyện chuyên đề “Cuốn sách của tôi” hay những mô hình “Tủ sách tại lớp”... đã từng ngày lưu giữ bản sắc văn hóa hiếu học, tinh thần ham đọc từ bao đời của dân tộc trong mỗi người dân xứ Huế.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, địa phương đang triển khai Đề án thiết lập và phát huy Tủ sách Huế nhằm tạo một thương hiệu sách mang đậm dấu ấn Huế, thúc đẩy quảng bá văn hóa Huế qua sách. Đây cũng là một hình thức cụ thể hướng đến xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng 3.000 cuốn sách cho huyện A Lưới Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế chuyển giao 770 ấn phẩm Tủ sách Huế đến 49 điểm thư viện trên toàn tỉnh. Hoạt động này góp phần “gieo mầm” văn hóa đọc, khám phá những tinh hoa, giá trị văn hóa Huế trong học đường, hướng tới một xã hội đọc sách.

Khám phá kho tàng tri thức vô tận từ sách ở Huế ảnh 3Hội sách thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân, du khách Cố đô Huế. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Xây dựng văn hóa đọc

Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, sự hưởng ứng của các cấp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cá nhân trên các nước thời gian qua đã làm cho xuất bản có bước phát triển nhanh, văn hóa đọc được khôi phục đáng ghi nhận. Phong trào đọc sách, tặng sách đến được nhiều nơi trên cả nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng, giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

Những Ngày Sách và Văn hóa đọc đã tạo nên những thế hệ tương lai, mầm non tri thức cho đất nước đồng thời tô đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam trong mắt các cường quốc năm châu. Bên cạnh đó, ngày hội còn tạo nên động lực, thúc đẩy cho các nhà xuất bản, phát hành không ngừng đổi mới nhận thức, sáng tạo trong phương thức xuất bản, tiếp cận người đọc để đưa sách đến mọi vùng miền.

“Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, năm 2023 chỉ là một điểm nhấn trong năm nhằm nhắc nhở người dân tạo thói quen đọc sách nhưng mục tiêu lâu dài mà sự kiện hướng đến là duy trì thói quen này và lan tỏa giá trị sách, ý nghĩa văn hóa đọc đến người dân khắp cả nước. Ngày hội không chỉ là dịp để các bạn đọc được làm giàu vốn hiểu biết qua những không gian trưng bày sách công phu, đẹp mắt mà còn là cơ hội cho các nhà xuất bản giới thiệu đến độc giả những cuốn sách được dày công biên soạn, xuất bản” - Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Ngọc Bảo cho hay.

“Sách: nhận thức - đổi mới - sáng tạo”, “Sách cho tôi, sách cho bạn” và “Thời đại mới đòi hỏi phải có nhận thức mới, cách làm mới” là những thông điệp đặc biệt mà Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay muốn truyền tải đến người dân đất nước.

Khám phá kho tàng tri thức vô tận từ sách ở Huế ảnh 4Hội sách thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân, du khách Cố đô Huế. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, những việc phải làm về văn hóa đọc là khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Nhà xuất bản, phát hành cần đổi mới trong phương thức xuất bản, phát hành để sách vẫn là sách nhưng đa dạng hình tướng và đến được hàng triệu người, mọi tầng lớp; dân tộc hóa nhưng vẫn phải hiện đại hóa bằng công nghệ số, vẫn phải đại chúng hóa thông qua đa nền tảng số. Đây là một xu thế tất yếu cần phải tuân theo để sách có thể giữ được sức “nóng” trong thời đại công nghệ 4.0.

Phát triển văn hóa đọc luôn là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển bền vững nguồn nhân lực. Tại Việt Nam, lời khẳng định “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 21/4 là Ngày Sách và tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm đã khẳng định tầm cao mới, sự quan trọng của phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Thông qua những ngày này, các địa phương, cơ quan, đơn vị và người dân cả nước cùng nỗ lực, chung tay xây dựng một xã hội học tập, bồi đắp niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng. Từ đây, nhiều tủ sách gia đình, dòng họ được ra đời. Các thư viện học đường được chỉn chu bồi đắp bằng những đầu sách hay. Các con đường sách trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bạn trẻ.

Mai Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm