Chợ hoa Bến Tre. Ảnh: baodongkhoi.com.vn |
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bến Tre đã ban hành chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với mục tiêu là phát triển đa dạng các loại hình du lịch xứ dừa, dựa vào tiềm năng về tự nhiên, văn hóa và con người Bến Tre. Tỉnh phấn đấu tổng thu từ hoạt động du lịch tăng 22-25%/năm; tổng lượt khách du lịch tăng 12-15%/năm. Đến năm 2030, Bến Tre đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Để đạt mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò, những đặc thù và định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Bến Tre ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ở các điểm, khu du lịch đã được quy hoạch. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn để thu hút khách, nhất là du khách quốc tế.
Bến Tre cơ cấu lại ngành du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch, đầu tư du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch đồng bộ; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; tập trung công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt là tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch xứ dừa.
Gợi ý hướng phát triển cho du lịch Bến Tre trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, Bến Tre không có điều kiện, tài nguyên nổi trội như những tỉnh khác, vì vậy phát triển du lịch là không dễ. Tuy nhiên, Bến Tre nằm kẹp giữa những dòng sông lớn như sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông, với những cù lao và những vườn dừa bát ngát là lợi thế của tỉnh mà không địa phương nào có được. Với thế mạnh của vùng sông nước, hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, sản vật phong phú, môi trường sinh thái trong lành, cộng đồng dân cư hiền hòa, hiếu khách, vùng đất Bến Tre “địa linh-nhân kiệt” với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng… là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách khi đến với quê hương Đồng Khởi.
Do vậy về lâu dài, Bến Tre cần chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt để có giải pháp đầu tư phát triển trong thời gian tới. Tỉnh cần tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo từ cây dừa, có cơ chế khuyến khích tư nhân xây dựng bảo tàng dừa; phát triển đồng thời các dự án đầu tư lớn với loại hình du lịch homestay. Trong phát triển du lịch, Nhà nước giữ vai trò định hướng và ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Công Trí
TTXVN