Bài 3 (Bài cuối): Tiếp tục những giải pháp căn cơ
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Theo các chuyên gia, trong hoạt động dịch vụ du lịch gắn với ẩm thực, chỉ cần có một chi tiết nhỏ khiến du khách không hài lòng, người cung cấp dịch vụ sẽ khó có cơ hội khắc phục bởi ít du khách có mong muốn quay lại một lần nữa với điểm đến mà mình đã từng có cảm nhận không thú vị về ẩm thực. Một đặc sản ẩm thực được giới thiệu đến du khách trước khi đạt các yêu cầu về thị giác, vị giác, khứu giác, trước tiên cần phải được đảm bảo về an toàn thực phẩm.
Vọp luộc gừng - Đặc sản Cà Mau. Ảnh: TTXVN |
Nhấn mạnh hướng đi đúng trong khai thác văn hóa ẩm thực vào phát triển du lịch, lấy ví dụ từ Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư Phạm Xuân Hậu và một số cộng sự (Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Hiến) khẳng định: Phát triển hoạt động ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực đường phố là xu thế phù hợp với sự phát triển về du lịch với những thành phố trọng điểm về du lịch như Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước.
Với khoảng trên 20.000 cơ sở kinh doanh ẩm thực đường phố ở thành phố này, hoạt động ẩm thực đường phố rõ ràng đã góp phần làm tăng sự hấp dẫn thu hút du khách, tăng sức cạnh tranh cho du lịch thành phố. Tuy nhiên, ở một số cơ sở, việc tổ chức kinh doanh, phục vụ thực khách chưa đạt được sự thống nhất và chuẩn mực, địa điểm, không gian, đội ngũ phục vụ… là những vấn đề cần được chú ý hơn để tạo sự yên tâm cho du khách.
Để làm được điều này cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền các địa phương có thế mạnh về văn hóa ẩm thực gắn với hoạt động du lịch, các ngành chức năng và trước hết chính là ở ý thức trách nhiệm của chính các hộ kinh doanh ẩm thực. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định cho người lao động và chủ cơ sở kinh doanh ẩm thực, nhất là ẩm thực đường phố; thực hiện các cam kết trách nhiệm với các cơ sở trên nền tảng quy định của pháp luật là những biện pháp cần thiết góp phần khai thác bền vững các giá trị của văn hóa ẩm thực phục vụ du khách tại mỗi điểm đến.
Liên quan đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của du khách phù hợp với cuộc sống hiện đại, Nghệ nhân ẩm thực Triệu Thị Chơi (Trưởng ban Nghệ nhân, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam) nêu ý kiến gợi mở khá cụ thể: Kinh doanh ẩm thực nói riêng, ẩm thực gắn với du lịch nói chung cần quan tâm đến cảm nhận của du khách.
Vì vậy, khi giới thiệu một món ăn truyền thống nào đó tới du khách, cơ sở cần lưu ý đến cảm nhận và cả những cách trình bày, thưởng thức sao cho phù hợp hơn theo hướng văn minh, đảm bảo vệ sinh thực phẩm nhưng lại không đánh mất bản sắc, nét tinh túy của món ăn cũng như cách thưởng thức món ăn như một nét văn hóa cần được bảo tồn.
Có nhiều món ăn trước đây, chúng ta quen ăn theo kiểu cộng đồng như một tô (bát) canh to dùng chung, một chén (bát) nước mắm dùng chung hay một con cá lóc để nguyên hấp lên, nhưng nay khi đưa vào phục vụ khách du lịch, nên có sự lựa chọn, thay đổi, có những điều chỉnh nhỏ như có thể chia ra các tô canh nhỏ, chén nước mắm chấm riêng hay lọc xương cá, cắt miếng khi hấp…
“Câu chuyện” cho mỗi món ăn
Đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có dịch vụ ẩm thực chia sẻ: Món ăn ngon, hấp dẫn thực khách có sự đóng góp rất quan trọng của nguồn nguyên liệu an toàn, tài năng của người chế biến song ngoài ra còn phụ thuộc vào sự giới thiệu, hay nói cách khác là câu chuyện thuyết minh về mỗi món ăn từ ý nghĩa đến tác dụng của mỗi đặc sản mà du khách được thưởng thức.
Thực tế hiện nay, ở một số số điểm đến, đôi khi các hộ kinh doanh ẩm thực hoặc bản thân chủ nhân các khu, điểm du lịch hay hướng dẫn viên đưa khách tới thưởng thức đặc sản ẩm thực còn chưa chú ý đầu tư chu đáo cho những “câu chuyện” giới thiệu về nguồn gốc, phong tục tập quán liên quan tới món ăn, sự cầu kỳ, nét tinh tế thể hiện trong sự kết hợp các nguyên liệu… để có được món ăn nên dù sản phẩm có ngon, lành và bổ dưỡng, độc đáo nhưng vẫn chưa tạo được sức thu hút đặc biệt với du khách.
Liên quan đến nội dung này, khi đề cập về việc gia tăng giá trị cho các sản phẩm được coi là thế mạnh, đặc sản của mỗi địa phương thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị), Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (Trung tâm Phát triển nông thôn, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, có thể tạo ra giá trị tăng thêm cho các sản phẩm tiêu biểu, trong đó có những đặc sản ẩm thực - sản phẩm được khai thác từ tài nguyên bản địa của mỗi miền quê bằng cách đưa các câu chuyện vào từng sản phẩm, hướng dẫn người dân bản địa giới thiệu về sản phẩm gắn với lịch sử, văn hóa.
Từ thực tế kinh doanh dịch vụ du lịch, anh Lê Minh Tỵ, chủ cơ sở kinh doanh Điểm dừng chân Du lịch Rạch Gốc - Tư Tỵ (ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: Du khách đến Cà Mau, nghỉ lại nhà sàn trong rừng đước, được thưởng thức một trong những đặc sản của vùng đất Mũi Cà Mau là món cá thòi lòi (loài cá sinh sống môi trường nước mặn) nướng muối ớt sẽ cảm thấy rất thú vị.
Anh Lê Minh Tỵ hoặc các nhân viên của cơ sở đã giới thiệu về đặc tính của loài cá này là thường trú ẩn dưới hang sâu ngập nước, bơi lội dưới sông, di chuyển trên bùn, chạy nhảy và kiếm mồi trên cạn, ngoài bơi lội dưới nước còn biết leo cây do chúng có thể trữ nước trong mang để hô hấp khi lên cạn và trao đổi da như da ếch, nó còn có hai vây trước có chức năng như một “đôi tay". Khi được nghe, nhiều du khách tỏ ra rất thích thú, bày tỏ mong muốn được cùng vào rừng đước xem tận mắt loài cá này và chụp hình lưu niệm./. (Hết)
Thanh Trà
TTXVN