Khai mạc triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" tại Lâm Đồng

Khai mạc triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" tại Lâm Đồng
Vào 9 giờ sáng ngày 3/7/2017, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia khu vực 4, số 2 Yết Kiêu, phường 5, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng sẽ khai mạc triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý".
Tài liệu lưu trữ được đưa ra triển lãm là di sản vô giá của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang bảo quản hơn 2.600 mét giá tài liệu được hình thành từ thời kỳ phong kiến, Pháp thuộc và của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào năm 2009. Đó là khối tài liệu vừa độc đáo về chất liệu và phương pháp chế tác, vừa phong phú đa dạng về nội dung; có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Nhằm tăng cường công tác phát huy giá trị khối tài liệu quý giá này, trong thời gian qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã phối hợp với các cơ quan, địa phương trong cả nước tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm nhằm đưa tài liệu lưu trữ đến gần hơn với công chúng. Được sự đồng ý của Bộ Thông tin Truyền thông và Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Đảo Hoàng Sa ở phía Đông cù lao Ré. Trong đảo có bãi cát vàng kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là bãi Vạn lý Trường Sa (Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 6, mặt khắc 18). Nguồn ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Đảo Hoàng Sa ở phía Đông cù lao Ré. Trong đảo có bãi cát vàng kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là bãi Vạn lý Trường Sa (Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 6, mặt khắc 18). Nguồn ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Luật Biển Việt Nam quy định rõ trong Điều 1, Chương I rằng: “Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Quốc gia của Việt Nam”. Điều này có bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý từ lâu đời. Dù vậy nhưng đã có những tranh chấp, xung đột, xâm chiếm trái phép xảy ra trong lịch sử. Thời gian gần đây, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng có nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, gây sự phẫn nộ với dư luận trong nước, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Mục đích của cuộc Triển lãm lần này là nhằm tuyên truyền sâu rộng đến du khách trong nước và quốc tế hiểu và tiếp cận góc độ pháp lý một cách cơ bản nhất về chủ quyền của Việt Nam đối với 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại triển lãm lần này, Ban tổ chức đưa ra các tư liệu tiêu biểu được chọn lựa trong hàng vạn tư liệu, thư tịch cổ của Việt Nam được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Đặc biệt, lần đầu tiên 9 phiên bản Mộc bản Triều Nguyễn khắc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được công bố.
Vua Gia Long cho lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai chiêu mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa, năm 1803 (Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 22, mặt khắc 2). Nguồn ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Vua Gia Long cho lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai chiêu mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa, năm 1803 (Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 22, mặt khắc 2). Nguồn ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Triển lãm thông qua các nhóm tài liệu, hiện vật cơ bản sau: 1) Tư liệu trước Triều Nguyễn và dưới Triều Nguyễn. 2) Tư liệu giai đoạn Chính quyền Pháp đại diện thực thi chủ quyền ở Đông Dương. 3) Tư liệu giai đoạn quản lý của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. 4) Tư liệu thực thi chủ quyền của nhà nước CHXHCN Việt Nam từ sau khi Việt Nam thống nhất. 5) Tư liệu lịch sử của phương Tây về Trung Quốc và tư liệu của chính Trung Quốc chứng minh Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa. 6) Tư liệu của phương Tây về Việt Nam và tư liệu của Việt Nam chứng minh chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa, Trường Sa. 7) Tư liệu về lịch sử bảo vệ biển đảo và trận hải chiến Hoàng Sa tháng 1 năm 1974 và tư liệu hiện vật về sự thật lịch sử của trận Gạc Ma năm 1988. 8) Những công trình nhiên cứu của các học giả Việt Nam và quốc tế qua các thời kỳ; những hình ảnh Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và thế giới hôm nay.
Vua Gia Long sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra đảo Hoàng Sa để thăm dò, đo đạc thủy trình, năm 1816 (Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 52, mặt khắc 15). Nguồn ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Vua Gia Long sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra đảo Hoàng Sa để thăm dò, đo đạc thủy trình, năm 1816 (Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 52, mặt khắc 15). Nguồn ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Nội dung triển lãm bao gồm 4 phần: Phần thứ nhất: Giới thiệu các văn bản chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là các văn bản liên quan đến quá trình khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các văn bản có niên đại từ thế kỷ thứ XVI cho đến đầu thế kỷ XX được trích ra từ những bộ chính sử của triều đình nhà Lê Trịnh ở đàng ngoài, triều đình nhà Nguyễn ở đàng trong, triều đình Tây Sơn … Bên cạnh đó, còn có các công trình nghiên cứu của các học giả nho giáo đương thời như Lê Quý Đôn, Đỗ Bá Tự, Phan Huy Chú, Nguyễn Thông… Phần thứ hai: Giới thiệu các bản đồ Việt Nam thời quân chủ và bản đồ xuất bản tại phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phần thứ ba: Giới thiệu bản đồ của Trung Quốc qua từng thời kỳ do các nước phương Tây và Trung Quốc xuất bản. Những bản đồ này có niên đại từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ XX. Trên các bản đồ này, có những lúc Trung Quốc rất rộng lớn bao gồm cả Mông Cổ, Tây Tạng… Nhưng có một đặc điểm chung là lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam là kết thúc. Phần thứ tư: Giới thiệu các tư liệu, hiện vật liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa.
Vua Minh Mạng cho dựng đền thờ thần ở đảo Hoàng Sa tỉnh Quảng Ngãi, năm 1835 (Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 154, mặt khắc 4). Nguồn ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Vua Minh Mạng cho dựng đền thờ thần ở đảo Hoàng Sa tỉnh Quảng Ngãi, năm 1835 (Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 154, mặt khắc 4). Nguồn ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Ngoài ra, thông qua nội dung cuộc triển lãm, công chúng sẽ hiểu hơn về tinh thần bất khuất của cha ông ta, qua đó hiểu về trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam đối với biển đảo, nêu cao lòng yêu nước, xây dựng lòng tin, tình cảm tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết, trung thành với Đảng, với Nhà nước. Đồng thời, khẳng định quyết tâm sắt đá của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, bảo vệ không gian sinh tồn đời đời của tổ tiên để lại.
Nguyễn Lang
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm