Sáng 25/10, tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) lễ hội văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng vùng cao Đại Dực đã chính thức được khai mạc.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2020 nhằm hướng tới mục tiêu đón 3 triệu khách trong quý IV năm 2020.
Lấy bối cảnh là ruộng bậc thang vàng ươm mùa lúa chín, sắp đến kỳ thu hoạch, lễ hội văn hóa - thể thao dân tộc Sán Chỉ được tổ chức tại Nhà Văn hóa dân tộc Sán Chỉ, thôn Khe Lục và khu vực ruộng bậc thang, thôn Khe Ngàn của xã Đại Dực.
Các hoạt động văn hóa tại lễ hội sẽ tái hiện lại những nét tín ngưỡng, tập quán dân tộc Sán Chỉ, nghi thức “Lễ cầu mùa” mở màn Lễ hội như một lời tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, muôn loài sinh sôi nảy nở, ngô lúa được mùa, bản làng thanh bình, nhà nhà no ấm…
Lễ hội góp phần tiếp tục bảo tồn, phát huy, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của đồng bào Sán Chỉ trên địa bàn huyện Tiên Yên tới du khách gần xa, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách về một mùa vàng ấm no trên vùng cao gắn với nghi lễ cầu mùa của người Sán Chỉ, góp phần tạo sản phẩm du lịch mới trên địa bàn huyện Tiên Yên vào mùa đông.
Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động thi đấu các môn thể thao dân tộc như: đánh quay, bắn nỏ, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, qua cầu, ném còn, giải chạy việt dã xã Đại Dực mở rộng với tên gọi "băng qua mùa vàng". Đặc biệt là các trận giao lưu bóng đá nữ xã Đại Dực với đội bóng đá nữ xã Húc Động (Bình Liêu) và Đội bóng đá nữ xã Hải Sơn (Móng Cái). Các hoạt động văn hóa khác như: Thi ẩm thực, trình diễn trang phục dân tộc; tham quan, trải nghiệm mùa vàng vùng cao tại ruộng bậc thang; thi hát soóng cọ, biểu diễn thổi kèn lá; trình diễn trang phục các dân tộc; giới thiệu gian hàng bán nông sản…
Lễ hội là dịp ca ngợi tinh thần cần cù, lao động sáng tạo và giáo dục truyền thống của cha ông, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của người Sán Chỉ, là dịp để đồng bào Sán Chỉ nói riêng, đồng bào các dân tộc trong huyện Tiên Yên và các vùng lân cận nói chung, tụ hội, giao lưu văn hóa.
Để phục vụ du khách, xã Đại Dực đã dựng 10 điểm tham quan với đường dẫn, cầu dạo bằng vật liệu gỗ, tre và các mô hình để du khách có thể tha hồ chụp ảnh check-in giữa ruộng bậc thang lúa chín vàng.
Văn Đức