Ngày 8/7, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022.
Với chủ đề “Đắk Lắk - Tây Nguyên vùng trái ngọt”, hội nghị là điểm đến của hơn 100 doanh nghiệp cung cấp/thu mua nông sản, mở ra cơ hội thúc đẩy giao thương và hứa hẹn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhà cung cấp. Qua đó, hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, địa phương, hợp tác xã, tổ hợp tác có cơ hội tiếp xúc, tăng cường hiểu biết, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ nông sản; góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa thế mạnh của tỉnh, của khu vực Tây Nguyên, nhất là các sản phẩm đặc trưng, giúp phát triển sản xuất bền vững, nâng cao giá trị, thu nhập và đời sống của nông dân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương cho biết, tỉnh xác định việc xúc tiến tiêu thụ hàng hóa nông sản để mở rộng thị trường xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa là hoạt động thường xuyên, liên tục và không ngừng đổi mới. Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, để sản phẩm nông nghiệp Đắk Lắk hướng tới giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững cần có sự liên kết của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cùng sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương để triển khai đồng bộ các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản.
Hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua đã được nhiều kết quả nổi bật, nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao như cà phê, hồ tiêu, tinh bột sắn, cao su, hạt điều. Cà phê Đắk Lắk hiện đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu hàng năm xấp xỉ hơn 600 triệu USD. Hạt tiêu cũng là nhóm sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đắk Lắk với kim ngạch trên 55 triệu USD/năm; sản phẩm ong mật có kim ngạch xuất khẩu khoảng 30 triệu USD/năm.
Bên cạnh đó, trái cây Đắk Lắk đa dạng về chủng loại, giàu dinh dưỡng và có giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, giá xuất khẩu của các mặt hàng nông sản không ổn định, hàng xuất khẩu nông sản chủ yếu là hàng sơ chế hoặc phải xuất qua nước trung gian, nhiều mặt hàng còn phụ thuộc khá lớn vào một thị trường, khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu chưa cao.
Tại hội nghị, đại biểu đã trao đổi, thảo luận, giới thiệu về sản phẩm thế mạnh đặc trưng, chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, kinh nghiệm đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, trao đổi thông tin về các tiêu chuẩn xuất khẩu, tư vấn và hỗ trợ những thông tin cần thiết về thông quan, lưu thông hàng hóa khu vực cửa khẩu…
Theo bà Lê Vũ Thùy Dung, Phó Giám đốc Thương mại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk), thị trường nông sản và đặc biệt sản phẩm chủ lực của đơn vị tại khu vực Tây Nguyên là cà phê, hồ tiêu.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, các doanh nghiệp nên chủ động tìm những bạn hàng quốc tế mới, tránh phụ thuộc chủ yếu vào 1 - 2 thị trường trước đó; lập báo cáo thường xuyên và theo sát tình hình chính trị ở các quốc gia hay xuất khẩu; tối ưu triệt để các khoản phí ở mỗi hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số, đa dạng hóa cảng xuất hàng...
Ngoài ra, việc hoàn thiện quy trình canh tác cà phê, hồ tiêu và sản phẩm nông sản khác theo mô hình sản xuất xanh, sản xuất có trách nhiệm để hỗ trợ các ngành hàng nông sản đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế là một vấn đề cấp bách, tiên quyết, sống còn của ngành nông nghiệp.
Dịp này, tại hội nghị có 59 cặp biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các nhà cung cấp với nhà phân phối, đơn vị xuất khẩu, đây là tiền đề cho việc kết nối, cung ứng tiêu thụ ổn định sản phẩm khu vực Tây Nguyên tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong khuôn khổ hội nghị còn có khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của khu vực Tây Nguyên và tỉnh, thành bạn tại Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk.
Hoài Thu