Khơi thông nguồn lực thúc đẩy khu vực miền Trung – Tây Nguyên phát triển trong điều kiện mới

Khơi thông nguồn lực thúc đẩy khu vực miền Trung – Tây Nguyên phát triển trong điều kiện mới

Ngày 27/6, tại thành phố Quy Nhơn, Tỉnh ủy Bình Định cùng Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Khơi thông nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh COVID-19”.

Khơi thông nguồn lực thúc đẩy khu vực miền Trung – Tây Nguyên phát triển trong điều kiện mới ảnh 1 Công nhân điện lực miền Trung kiểm tra, sửa chữa hệ thống đường dây điện để đảm bảo an toàn, cung cấp điện cho các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

Hội thảo tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Một số vấn đề lý luận chung về khơi thông nguồn lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; Những vấn đề thực tiễn trong khơi thông nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên; Những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định trong bối cảnh mới.

Miền Trung – Tây Nguyên là khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trong chiến lược phát triển, bảo vệ Tổ quốc. Đây là địa bàn có diện tích lớn, trải dài, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế gắn với biển và rừng. Con người miền Trung có tính cần cù, hiếu học, có ý chí và khát vọng vươn lên.

Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn thông tin: Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế tổng thể của khu vực phát triển khá, tốc độ tăng trưởng ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, xây dựng… Miền Trung – Tây Nguyên dần dần hội tụ được các điều kiện để phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, so với 2 khu vực Nam và Bắc của nước ta, khu vực miền Trung – Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn; trình độ, chất lượng, tốc độ phát triển kinh tế còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển và các nguồn lực huy động. Miền Trung – Tây Nguyên có dân số chiếm 21,2% dân số cả nước nhưng chỉ chiếm 13,3% GDP; mức thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 68% vùng đồng bằng Bắc bộ, 56,5% so với vùng đồng bằng Nam bộ…

Trong Chiến lược Quốc gia hướng ra biển, khu vực có diện tích mặt biển và chiều dài bờ biển lớn như khu vực miền Trung thì những chỉ số trên chỉ ra nhiều tồn tại. Ngoài “đầu tàu” Đà Nẵng phát triển nhanh và tương đối toàn diện, nhiều địa phương khác vẫn chưa có sự bứt phá. Ngay cả Khánh Hòa được hưởng cơ chế phát triển tương tự Phú Quốc và Quảng Ninh, nhưng sau 10 năm, Khánh Hòa tăng trưởng và phát triển thấp hơn. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Khắc Toàn cho rằng có nhiều nguyên nhân Khánh Hòa được ví là “đi một chân” (chủ yếu chỉ phát triển du lịch) trong suốt thời gian qua. Đó là việc cơ hội phát triển dầu khí và công nghiệp bị bỏ lỡ vì vịnh Vân Phong được Trung ương xác định là “của để dành” cho sự phát triển kinh tế tổng hợp suốt một thời gian dài. Vịnh Cam Ranh do điều kiện đặc biệt về yếu tố quốc phòng nên không thu hút được dự án đầu tư nước ngoài… Những điều này phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển đồng bộ của Khánh Hòa.

Một số ý kiến tại hội thảo cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa phát huy được như 2 vùng kinh tế trọng điểm miền Nam và Bắc. Cần chọn ra từng tiểu vùng và đề ra giải pháp cho từng tiểu vùng bên cạnh cả vùng; hoàn thiện thể chế về phát triển vùng và nâng cao tính thực thi thế chế; đồng thời luật hóa các quy hoạch vùng để có tính thống nhất và thực thi cao.

Hội thảo cũng nhận định, miền Trung – Tây Nguyên đang hội đủ các yếu tố để phát triển mạnh trong thời gian tới. Tiến sỹ Võ Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tỉnh Bình Định cho rằng, Bình Định đứng trước cơ hội phát triển mới rất mạnh mẽ. Trong Chiến lược phát triển các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông đã đề ra 3 hành lang phát triển kinh tế, trong hành lang phía Nam có cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Quy Nhơn có cơ hội trở thành trung tâm logictics lớn của cả nước và khu vực, cần phát triển cảng Quy Nhơn thành một cảng quốc tế.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, để sớm đưa tỉnh phát triển, Bình Định đã và đang tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế riêng có, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, dịch vụ cảng biển và logistics, phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng và phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Trong quá trình phát triển, tỉnh luôn coi trọng sự liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhất là trong việc phát huy những điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, đồng thời hỗ trợ, bổ sung cho nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành khu vực, đóng góp quan trọng, thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước.

Kha Phạm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm