Kết nối doanh nghiệp quảng bá, phân phối và tiêu thụ sản phẩm thế mạnh

Kết nối doanh nghiệp quảng bá, phân phối và tiêu thụ sản phẩm thế mạnh

Liên kết đẩy mạnh việc quảng bá, phân phối và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương là nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm tại Hội nghị Kết nối giao thương, do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau ngày 24/6.

Kết nối doanh nghiệp quảng bá, phân phối và tiêu thụ sản phẩm thế mạnh ảnh 1Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã ký kết thỏa thuận tăng cường quan hệ hợp tác để liên kết giao thương giữa các doanh nghiệp hai tỉnh đạt hiệu quả cao trong thời gian sắp tới. Đồng thời, các doanh nghiệp hai tỉnh cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác giao thương năm 2020 để mở rộng thị trường phân phối, tiêu thị sản phẩm.

Ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, Hội nghị Kết nối giao thương lần này nhằm mục đích ‘‘kéo’’ doanh nghiệp ở 2 tỉnh xích lại gần nhau hơn, tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trao đổi, tìm hiểu, kết nối và ký kết hợp tác mở rộng thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hàng chủ lực giữa hai tỉnh.

Đặc biệt là đưa các sản phẩm, đặc sản của Cà Mau gia nhập vào thị trường của tỉnh Lâm Đồng, cũng như các tỉnh Tây Nguyên. Tỉnh Cà Mau cũng sẽ trao đổi các dòng hàng đặc sản của Lâm Đồng nhiều tiềm năng tiêu thụ và mở rộng thị trường tại Cà Mau.

Kết nối doanh nghiệp quảng bá, phân phối và tiêu thụ sản phẩm thế mạnh ảnh 2Ký kết thỏa thuận giữa doanh nghiệp hai tỉnh Cà Mau và Lâm Đồng. Ảnh: Kim Há-TTXVN

"Qua khảo sát sơ bộ, Cà Mau có nhiều sản phẩm mà tỉnh bạn không có như: tôm khô, cua Cà Mau, mật ong U Minh, rượu Xóm Dừa, rượu Đinh Lăng, bánh phồng tôm và các sản phẩm chế biến từ tôm... Đây là những hàng đặc sản có thể phân phối, tiêu thụ tại hệ thống nhà hàng, siêu thị ở Đà Lạt. Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp tỉnh sẽ tiến hành khảo sát sâu hơn để đánh giá toàn diện nhu cầu của thị trường để đưa dòng hàng của Cà Mau gia nhập vào thị trường Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên’’, ông Quách Văn Ấn thông tin thêm.

Ông Dương Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, Cà Mau là địa phương được biết đến là tỉnh cực Nam của cả nước, với dân số trên 1,2 triệu người có thể đáp ứng phần lớn sản lượng hàng hóa từ nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng.

Do vậy, tỉnh Lâm Đồng xác định Cà Mau là nơi kết nối tiêu thụ hàng hóa với các tỉnh lân cận rất tốt, rất phù hợp với thị trường tiêu thụ hàng hóa. Tỉnh Lâm Đồng cũng là địa phương đi đầu cả nước về áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng đã và đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến với thương hiệu: “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Để phát huy những tiềm năng thế mạnh của tỉnh, các doanh nghiệp ở Lâm Đồng đã không ngừng nỗ lực sản xuất kinh doanh, cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng cao. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã nhiều sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận sản phẩm như: rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, trà B’Lao, cà phê Di Linh, cà phê Arabica Langbiang, chuối Laba, rượu Cần Langbian, bánh tráng Lạc Lâm, cá nước lạnh, mây tre Madagui, lúa gạo Cát Tiên… Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ở Cà Mau nói riêng và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hợp tác sản xuất, kinh doanh.

Hội nghị lần này là dịp để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau và tỉnh Lâm Đồng có cơ hội giao lưu, quảng bá giới thiệu hình ảnh, sản phẩm có chất lượng, tiến tới tiêu thụ sản phẩm có chất lượng của doanh nghiệp tại thị trường hai tỉnh.

Bà Dương Thị Bích Năm, Giám đốc Công ty TNHH Dư Thái Bình chia sẻ, hàng hóa thế mạnh của doanh nghiệp là cung ứng sản phẩm tôm rừng và cua sinh thái - Cua Năm Căn nổi tiếng cả nước. Hiện nay, công ty đã mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ mặt hàng đặc sản này ở gần 20 siêu thị lớn trên toàn quốc.

Kết nối doanh nghiệp quảng bá, phân phối và tiêu thụ sản phẩm thế mạnh ảnh 3Trưng bày, giới thiệu những đặc sản thế mạnh của tỉnh Cà Mau tại hội nghị. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Tuy nhiên, mặt hàng tôm, cua Cà Mau chưa được phân phối nhiều tại thị trường Lâm Đồng. Do vậy, thông qua Hội nghị Kết nối giao thương lần này, doanh nghiệp sẽ hợp tác với các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng để mở rộng thị trường phân phối, tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của Cà Mau./.

 Kim Há

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm