Kết nối - cách thức bảo tồn mới của di sản

Kết nối - cách thức bảo tồn mới của di sản

Các di sản văn hóa từ trước đến nay chủ yếu giao lưu, kiết nối trong những câu lạc bộ cùng loại hình với nhau, hoặc trong các cuộc thi, hội diễn do các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức. Tuy nhiên, hình thức bảo tồn và phát triển này chưa phát huy tối đa tính chủ động của các chủ thể di sản. Thời gian gần đây, các loại hình di sản đã có sự kết nối giao thoa với nhau từ góc độ câu lạc bộ. Điều này được đánh giá như cách thức bảo tồn mới của di sản.

Kết nối - cách thức bảo tồn mới của di sản ảnh 1Các liền anh, liền chị Quan họ Bắc Ninh biểu diễn dân ca quan họ trong buổi giao lưu, kết nối với nhau tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Tại nhà chứa quan họ tại làng Diềm (hay còn gọi là khu Viêm Xá), phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh vào Ngày hội Thủy tổ Quan họ, những năm trước đây, lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và nhiều hình thức biểu diễn Quan họ của các liền anh, liền chị như hát thuyền, hát canh, hát thờ… Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lễ hội vẫn diễn ra nhưng chỉ tổ chức phần lễ, phạm vi hát dân ca Quan họ được tổ chức quy mô hẹp. Tuy nhiên, điều có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn di sản là năm nay lễ hội có chương trình giao lưu kết nối di sản giữa dân ca Quan họ Bắc Ninh và dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Đây là hai loại hình di sản đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong không khí đầu Xuân ấm áp, những làn điệu dân ca Quan họ mượt mà đằm thắm xen lẫn những câu hát sôi nổi, vui tươi của dân ca Ví, Giặm khiến mỗi người đều gần gũi, thân quen với nhau. Các thành viên trong Câu lạc bộ, không chỉ giới thiệu di sản độc đáo của mình mà còn tìm hiểu về di sản của Câu lạc bộ bạn làm cho buổi giao lưu càng thêm ý nghĩa.

Kết nối - cách thức bảo tồn mới của di sản ảnh 2Câu lạc bộ Quan họ làng Diềm (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) và Hội dân ca Ví, Giặm sông Lam (Nghệ An) giao lưu, kết nối với nhau tại thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Ông Trần Mạnh Quyết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ làng Diềm chia sẻ: Sau lần giao lưu với Hội Dân ca Ví, Giặm sông Lam, hai bên đều thể hiện sự đam mê, ngưỡng mộ với làn điệu dân ca của nhau. Từ đó, các thành viên trong Hội và Câu lạc bộ tìm hiểu, học hỏi những làn điệu từ "đội bạn". Dần dần, hai bên trở nên thân thiết, mỗi khi ở Câu lạc bộ, vùng nào có lễ hội lại mời nhau đến giao lưu, giúp đỡ nhau trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị hai di sản.

Ông Quyết chia sẻ: Đến với các buổi giao lưu, tất cả thành viên trong Câu lạc bộ Quan họ làng Diềm cũng như Hội Dân ca Ví, Giặm sông Lam đều là những nghệ nhân, thành viên am hiểu và có niềm đam mê bảo tồn, phát huy di sản. Tại đây, các thành viên có dịp giao lưu lối chơi, cách hát, tình người của người “Quan họ” và người “Ví, Giặm” với nhau.

Liền chị Vũ Thị Minh Lục, Câu lạc bộ Quan họ Hoài Thị (Câu lạc bộ kết bạn với Câu lạc bộ Quan họ làng Diềm) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên chị được giao lưu, trực tiếp thưởng thức các làn điệu dân ca Ví, Giặm. Mỗi loại di sản có cách biểu diễn khác nhau, có cái đẹp riêng. Dân ca Quan họ mượt mà, đằm thắm; các bài hát được thể hiện theo lối giao duyên; dân ca Ví, Giặm có cái duyên riêng. Các bài hát rất sôi nổi, chủ yếu xuất phát trong đời sống sản xuất hàng ngày nên cũng rất gần gũi, đi sâu vào lòng người.

Qua cách biểu diễn của những người trong Hội, chị không chỉ cảm nhận được cái hay cái đẹp của di sản mà còn cảm nhận được sự sục sôi, niềm khát khao bảo tồn và phát huy giá trị của di sản của mỗi người. “Đối với dân ca Quan họ Bắc Ninh, tỉnh có nhiều hình thức bảo tồn và phát huy giá trị như đưa loại hình dân ca này vào giảng dạy trong trường học; có chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân; cấp kinh phí hoạt động cho các Câu lạc bộ Quan họ; thường xuyên sinh hoạt, truyền dạy Quan họ trong câu lạc bộ, lớp học… Di sản dân ca Ví, Giặm cũng được truyền dạy trong các trường học. Đặc biệt, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng các nghệ nhân vẫn tích cực truyền dạy loại hình dân ca này qua các ứng dụng trên mạng xã hội như facebook, zalo… Đây là cách bảo tồn và phát huy giá trị di sản rất hiệu quả cần được nhân rộng. Chính chúng tôi cũng chia sẻ về trách nhiệm của mình trong công cuộc bảo tồn đó”, liền chị Vũ Thị Minh Lục nói.

Kết nối - cách thức bảo tồn mới của di sản ảnh 3Các liền anh, liền chị Quan họ Bắc Ninh biểu diễn dân ca trong buổi giao lưu, kết nối với nhau tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Vượt hàng trăm cây số đến Bắc Ninh để giao lưu di sản, ông Nguyễn Thành Ngân, Chủ tịch Hội Dân ca Ví, Giặm sông Lam, tỉnh Nghệ An chia sẻ: Đây là năm thứ hai hai đơn vị tổ chức giao lưu với nhau. Mỗi lần giao lưu, hai bên đều cảm nhận được di sản như đang “tuôn chảy” trong mỗi người. Đặc biệt, khi giao lưu, mỗi người không chỉ cảm nhận lời ca, tiếng hát mà còn cảm nhận được “cái tình” của nhau. Khi đến, quý bạn ca bài "Khách đến chơi nhà", khi về lại “dùng dằng” qua lời hát "Người ơi người ở đừng về".

Đặc biệt, ông luôn coi Dân ca Quan họ Bắc Ninh là “anh cả” của di sản bởi đây là loại hình được UNESCO công nhận trước. Đặc biệt, ông cũng học được cách thức bảo tồn và truyền dạy dân ca Quan họ của người Bắc Ninh. Từ đó, áp dụng với địa phương mình để cùng nhau gìn giữ, phát huy di sản, giúp đỡ nhau trong quá trình quảng bá, giữ gìn di sản trên cơ sở Luật Di sản, tôn trọng văn hóa hai miền. Thời gian tới, ông mong muốn có thể kết nối với các di sản khác trong toàn quốc để di sản dân ca Ví, Giặm nói riêng và các loại hình di sản khác được trường tồn; hy vọng mỗi câu lạc bộ sinh hoạt ít nhất 1 tháng 2 lần và tất cả các câu lạc bộ trong tỉnh gặp nhau ít nhất 1 năm 2 lần.

Nghệ nhân Ưu tú Võ Thị Hồng Vân đã gắn bó với dân ca Ví, Giặm từ khi còn nhỏ. Đến nay, bà đã có hơn 40 năm thực hành dân ca Ví, Giặm. Bà coi Ví, Giặm là tâm hồn, hơi thở của mình. Vinh dự được tham gia chương trình giao lưu này, bà muốn mang dân ca Ví, Giặm không chỉ được biết đến ở trong tỉnh Nghệ An mà còn muốn làn điệu này vươn ra khắp đất nước và trên thế giới. Nghệ nhân Ưu tú Võ Thị Hồng Vân mong muốn trong mỗi buổi giao lưu, mỗi thành viên trong Hội với vai trò là một tuyên truyền viên phát huy giá trị các làn điệu dân ca quê mình và giúp đỡ các làn điệu dân ca khác được tiếp tục gìn giữ, lan tỏa.

Đặc biệt, là một nghệ nhân, người thực hành di sản, bà tự cảm thấy trách nhiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm. Bản thân bà đang làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm xã Ngọc Sơn và Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm huyện Thanh Chương nhưng bà vẫn thường xuyên truyền dạy cho mọi người về loại hình dân ca này.

Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm xã Ngọc Sơn có hơn 40 thành viên với đầy đủ các lứa tuổi, sinh hoạt đều đặn đặn mỗi tuần 1 lần. Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, các thành viên không thường xuyên được tập hợp, giao lưu, cùng với việc tự mình tích cực truyền dạy, bà Vân vận động các nghệ nhân truyền dạy qua mạng xã hội để dân ca Ví, Giặm “chảy mãi” trong đời sống mọi người.

Có thể nói, việc giao lưu di sản giữa các hội, các Câu lạc bộ di sản mặc dù là hình thức mới nhưng đang được các Câu lạc bộ quan tâm, thể hiện nhu cầu, sự tích cực, chủ động của các chủ thể lưu giữ di sản. Hy vọng cách làm này sẽ góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa vật thể và phi vật thể kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Từ đó, phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Thanh Thương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm