UBND tỉnh Đắk Nông vừa có công văn yêu cầu các bên liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kết nghĩa với bon (đơn vị hành chính tương đương cấp thôn, bản), buôn đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đây là cách thức hiệu quả nhằm triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới cộng đồng các dân tộc thiểu số, qua đó nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.
UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị các đơn vị kết nghĩa tiếp tục cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở bon, buôn, phát huy vai trò già làng, trưởng bon, người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cơ quan, đơn vị, địa phương ưu tiên nguồn lực từ các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh lồng ghép vào bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, gắn với xóa đói giảm nghèo. Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông theo dõi, đôn đốc hoạt động kết nghĩa, hàng năm báo cáo mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng, nêu những vấn đề phát sinh để xử lý kịp thời.
Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 7/5/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về việc kết nghĩa giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang đối với bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, toàn tỉnh có 87 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh kết nghĩa với 79 bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố phân công các cơ quan, đơn vị cấp huyện kết nghĩa với các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở địa phương.
Sau khi kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị đã khảo sát tình hình thực tế tại các bon, buôn để xây dựng chương trình, kế hoạch giúp đỡ phù hợp; đồng thời tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc kết nghĩa, trang bị phương pháp, kỹ năng vận động quần chúng cho cán bộ, đảng viên của đơn vị. Qua đó, các cơ quan, đơn vị đã có chương trình, dự án, cách thức hỗ trợ thiết thực, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo. Đời sống kinh tế trong đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt, bộ mặt bon, buôn ngày càng khởi sắc.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 vừa được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt ngày 14/1, toàn tỉnh hiện còn gần 5.200 hộ nghèo (với gần 26.000 nhân khẩu), chiếm 2,99% tổng số hộ trong tỉnh. Trong đó, hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số hơn 3.700 hộ, chiếm gần 72% tổng số hộ nghèo.
Thời gian qua Đắk Nông đạt nhiều kết quả quan trọng, bền vững trong xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm bình quân khoảng 3%/năm.
Hưng Thịnh