Sáng 4/4, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm (2013 - 2023) thực hiện chủ trương công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện với các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bình Thuận hiện có 35 dân tộc sinh sống, trong đó có 34 đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 104.000 người, chiếm gần 8% dân số của tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số hiện cư trú tại 17 xã thuần và 42 thôn xen ghép. Qua 10 năm thực hiện chủ trương công tác kết nghĩa, đến nay, toàn tỉnh có 17 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh kết nghĩa với 17 xã; 86 cơ quan, đơn vị cấp huyện kết nghĩa với 42 thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh cho biết: Chủ trương công tác kết nghĩa đã thể hiện sự quan tâm, tình cảm của các cấp, các ngành, địa phương đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân về chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác, chính sách dân tộc; góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập quán sản xuất, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên; an ninh, trật tự được giữ vững; niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục được củng cố, tăng cường.
Không tổ chức kết nghĩa chung chung, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị- xã hội đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước với nhiều hình thức phù hợp; tổ chức 2.964 buổi tuyên truyền cho hơn 163.000 lượt người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua hoạt động kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương được kết nghĩa tổ chức 500 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện 503 công trình dân sinh, kinh tế với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng… Vào các dịp Tết Nguyên đán, lễ, Tết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số…, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Tinh đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 21,07 triệu đồng/người/ năm. Số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 2.037 hộ (chiếm 7% so với tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số). Đến nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô được nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã; 95% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số có phương tiện nghe nhìn; 6/17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới… Mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố, cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân tại chỗ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai chương trình kết nghĩa. Các đại biểu nhìn nhận, việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động giao lưu, kết nghĩa của một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa chủ động; công tác kết nghĩa chưa đi vào thực chất, hiệu quả chưa cao; các hoạt động giao lưu, kết nghĩa còn mang tính hình thức, chưa phong phú, đa dạng. Nhận thức của một bộ phận người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được cải thiện nhiều, một bộ phận nhỏ người dân có tâm lý trông chờ hỗ trợ từ chính sách của nhà nước.
Để chương trình kết nghĩa tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh đề nghị, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương rà soát, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công lại các đơn vị, địa phương kết nghĩa phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương. Việc phân công cần nghiên cứu tính kế thừa và kết hợp đa dạng về ngành, lĩnh vực nhằm phát huy tốt việc hỗ trợ, giúp đỡ các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển; đồng thời, tăng cường xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các đơn vị, địa phương với các xã thuần, thôn xen ghép.
Xác định mục tiêu của công tác kết nghĩa chủ yếu mang tính hỗ trợ, giúp đỡ, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân ở các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực để vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xây dựng quê hương ngày càng phát triển, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội nghiên cứu, đề xuất nội dung kết nghĩa theo hướng đổi mới, phù hợp, đảm bảo tính thiết thực, khả thi, hiệu quả.
Hồng Hiếu