Cuối buổi làm việc chiều 2/6, kết luận Phiên họp, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc chống tư tưởng chủ quan trong kiềm chế lạm phát; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để huy động nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016. Ảnh: TTXVN |
Đề cập đến các giải pháp kinh tế-xã hội, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ xây dựng các tốt các kịch bản, kiểm soát chặt chẽ về giá và không được chủ quan trong kiểm soát lạm phát. Các bộ, ngành phải phối hợp hiệu quả trong điều hành giá cũng như trong thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ.
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường hơn nữa các giải pháp khơi thông những tiềm năng cho tăng trưởng đi liền với đảm bảo chất lượng tăng trưởng; huy động hiệu quả các nguồn lực trong dân để phục vụ cho các mục tiêu phát triển; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính. Nhấn mạnh tinh thần coi kinh tế tư nhân là động lực của phát triển, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành cần công bố rõ lộ trình cải cách thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ASEAN 4; kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm người đứng đầu nếu không thực hiện tốt công tác này; thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả thực tế Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty có kế hoạch, lộ trình cụ thể đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, trong đó thể hiện rõ chủ trương tăng tỷ lệ vốn bán ra, bán hết phần vốn Nhà nước đối với doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2016.
Các bộ, các địa phương phải đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách và vốn ODA; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. “Không thể chấp nhận tình trạng nhà đầu tư có tiền mà không giải ngân được”, Thủ tướng chỉ đạo.
Hoan nghênh động thái các ngân hàng thương mại giảm lãi suất của một số ngành hàng, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xây dựng phương án giảm lãi suất cho vay; gắn với xử lý nợ xấu bằng các công cụ thị trường để tiếp tục hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.
Nhắc lại tầm quan trọng của phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, Thủ tướng phân tích: Khởi nghiệp không phải dừng lại ở khẩu hiệu mà phải xây dựng, cụ thể hóa bằng thể chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ hiệu quả. Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các cơ quan chức năng xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến khởi nghiệp để trình Chính phủ trong tháng 7 tới.
Đối với sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị xây dựng, triển khai chương trình tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện; không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng nông nghiệp, phát triển ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng lớn, có sức cạnh tranh cao qua đó nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân. “Chương trình xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng ở Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị tìm các nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ này. Về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng gợi ý cần nghiên cứu các giải pháp tổng thể cả theo hình thức công trình và phi công trình trong ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn.
Lưu ý nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần thực hiện tốt công tác hỗ trợ kịp thời người dân ở các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn; không để người dân bị đói, bị đứt bữa... Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là trong phòng chống đuối nước ở trẻ em. Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển nguồn nhân lực; kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội đi liền với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển con người toàn diện, nhất là về đạo đức và lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Trước mắt, tăng cường chỉ đạo Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và phụ huynh; khắc phục những bất cập của kỳ thi trước.
Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn gây ô nhiễm môi trường tác động đến môi trường sống của người dân; chủ động hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về môi trường, không có “vùng cấm”, không bao che cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào vi phạm.
Lo lắng trước tình trạng “cha chung không ai khóc”, lãng phí trong chi tiêu công, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ, rà soát các hoạt động quản lý, sử dụng công sản nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết cắt bỏ những khoản chi không cần thiết, nhất là chi cho hội họp, đi công tác nước ngoài. Ngoài ra, quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, xử lý nghiêm việc chuyển giá, trốn thuế, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính cũng như hoạt động thanh tra công vụ.
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành t riển khai hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý nghiêm các hành vi chống người thi hành công vụ, gây mất trật tự an toàn xã hội , đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Thủ tướng mong muốn các bộ trưởng, trưởng ngành quyết đoán, tích cực hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, đề cao vai trò người đứng đầu trong quản lý điều hành với tư cách tư lệnh lĩnh vực để sớm có những chuyển biến tốt trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước ./.