Ngày 18/1, Viện Khoa học Weizmann của Israel cho biết các nhà khoa học nước này đã phát triển một loại kháng thể mới tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ngừa ung thư.
Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Cell, các nhà khoa học phát hiện ra rằng tế bào miễn dịch T sẽ yếu dần và mất đi hiệu quả chống lại các khối u ác tính nếu không có "trợ thủ" là các tế bào miễn dịch đuôi gai. Do đó, các phương pháp điều trị bằng liệu pháp miễn dịch thông thường không hiệu quả ở nhiều bệnh nhân ung thư vì vùng khối u của họ thiếu tế bào miễn dịch đuôi gai hoặc tế bào này chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn. Dựa vào phát hiện này, nhóm nghiên cứu đã điều chế kháng thể hai nhánh, đặt tên là BiCE (Bispecific DC-T Cell Engager). Một nhánh chặn thụ thể có hại cho tế bào T, nhánh còn lại thu nhận tế bào đuôi gai thiết yếu.
Trong các thí nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng kháng thể này làm chậm sự phát triển của các khối u trong trường hợp ung thư phổi, da và tuyến vú. Hơn nữa, kháng thể mới còn có khả năng ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư trong tương lai do để lại các tế bào miễn dịch có thể ghi nhớ cách xác định ung thư và các phản ứng miễn dịch tương ứng.
Viện Khoa học Weizmann nêu rõ việc phát triển liệu pháp miễn dịch mới này giúp cải thiện khả năng truyền tín hiệu giữa các tế bào miễn dịch và có thể mang tới những liệu pháp cải tiến trong việc điều trị ung thư cũng như điều trị các bệnh tự miễn.
Minh Tâm