Kênh truyền hình Channel 2 của Israel đưa tin, các máy bay tiêm kích của không quân nước này đã thực hiện một số đợt ném bom ở phía Bắc Damascus (Syria) tối ngày 3 và rạng sáng ngày 4/12. Không có thông tin về thương vong thiệt hại, nhưng đòn không kích này được cho là nhằm vào 4 xe tải của quân đội Syria chở tên lửa đạn đạo. Cuộc tấn công được thực hiện ngay sau khi đoàn xe rời khỏi một căn cứ quân sự.
Máy bay tiêm kích F-16 của không quân Israel. Ảnh: Reuters
|
Trước đó, có thông tin cho rằng trong vài tuần trở lại đây không quân Israel đã thực hiện 5 chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu quân sự của quân đội Syria, kể cả ngay chính ở Damascus. Phát biểu tại Diễn đàn Galilee ở Acre hôm 1/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng không quân nước này “thường xuyên” không kích các mục đoàn xe chở vũ khí từ Syria sang Lebanon, ngăn chặn trước các nguy cơ an ninh nhằm vào Israel. Đây là lần đầu tiên chính quyền Tel Avid nói chung và cá nhân Thủ tướng Netanyahu chính thức thừa nhận Israel có hoạt động quân sự ở Syria. Trước đó, chính ông Netanyahu từng cảnh báo, nếu cánh vũ trang Hezbollah muốn vận chuyển vũ khí qua lãnh thổ Syria, Israel sẽ có hành động đáp trả tức thì.
Động thái mới này diễn ra trong bối cảnh Nga vừa cho triển khai hệ thống tên lửa S-400 “Triumph” hiện đại ở Syria, cùng với đó là việc trang bị tên lửa không đối không cho các chiến đấu cơ Nga tại Syria sau vụ tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24. Về mặt lý thuyết, hệ thống S-400 này có thể theo dõi, “bắt chết” và tiêu diệt tất cả các máy bay của Israel. Vậy tại sao không quân Israel vẫn không ngần ngại ném bom Damascus? Đó là bởi dường như đã có những nguyên tắc ngầm giữa Tel Aviv và Moskva.
Phát biểu trước báo giới ngày 30/11, Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Ya’alon nói rằng Nga được báo trước rằng những hành động gì diễn ra ở bên trong lãnh thổ Syria sẽ bị đáp trả thích đáng. Ông này cũng cho biết Moskva cam kết cho phép Israel thực thi các biện pháp cần thiết để bảo đảm chủ quyền lãnh thổ, chống lại các mối đe dọa an ninh từ bên ngoài. Bộ trưởng Ya’alon cũng tiết lộ, máy bay chiến đấu của Nga tham chiến ở Syria đã đôi lần đi vào không phận của Israel, nhưng không hề xảy ra một thảm kịch tương tự như vụ bắn hạ Su-24 hôm 24/11. Lý do là bởi hai bên vận hành tốt các kênh liên lạc, Israel thông báo cho phía Nga và máy bay của Nga nhanh chóng rời khỏi vị trí, trở lại không phận Syria.
Còn bên lề Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu toàn cầu ở Paris hôm đầu tuần, ông Netanyahu cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp tay đôi, bàn về diễn biến ở Syria với trọng tâm là việc duy trì, nâng cấp các kênh tiếp xúc. Giới tướng lĩnh của cả Nga và Israel ngay sau đó đã có phiên thảo luận ở Tel Aviv để bàn hướng triển khai cụ thể. Một nghị sĩ Israel thì tiết lộ, kể từ khi Nga mở chiến dịch không kích quân khủng bố, “đường dây nóng” giữa Moskva và Tel Aviv luôn được mở thông 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần.
Nhìn rộng ra, khác với nhiều đồng minh khác của Mỹ tại khu vực, Israel không đối đầu Nga về lợi ích trong cuộc khủng hoảng Syria. Mối bận tâm lớn nhất của Israel không phải là tương lai chính trị của Tổng thống Bashar al-Assad hay quân đội Syria, mà chính là cánh vũ trang Hezbollah. Các mục tiêu không kích của Israel cũng được lựa chọn kỹ, thường là những kho vũ khí hoặc đoàn xe chở vũ khí được cho là có điểm đến tới Lebanon.
Về phần mình, Moskva đặt nặng trọng tâm vào việc tiêu diệt quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, củng cố sức mạnh của lực lượng trung thành với ông Assad trên chiến trường. Trong bước can dự quân sự của mình, Nga luôn phủ nhận mọi đồn đoán cho rằng Moskva đang tìm cách thiết lập “trục quyền lực hồi giáo” dòng Shiite ở Trung Đông với nòng cốt là Syria, Iran (điều mà Israel lo ngại và dị ứng nhất) nhằm thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực. Sâu sa hơn, Nga hiện không muốn làm căng với Israel để rồi phải bung sức trên quá nhiều mặt trận, từ diệt trừ khủng bố IS rồi mới đây lại thêm mớ bòng bong trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo Tin Tức