Làng Kơ Tu xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN) |
Theo bà Tống Thị Nghĩa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Nông thôn huyện Sa Thầy: Hầu hết các xã trên địa bàn huyện khi bước vào xây dựng nông thôn mới đều có điểm xuất phát thấp, các công trình kinh tế - xã hội chưa đảm bảo, nhu cầu đầu tư lớn, trong khi đó nguồn vốn ngân sách hàng năm từ Trung ương, tỉnh phân bổ còn hạn chế nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng.
Năm 2016, huyện đã triển khai các nguồn vốn được phân bổ theo các nguyên tắc, quy định của Thủ tướng Chính phủ và Công văn của Ban chỉ đạo Trung ương. Hiện Sa Thầy gặp khó khăn trong việc tập trung huy động nguồn lực đầu tư ở các xã điểm về xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, các doanh nghiệp tại địa phương chưa mạnh dạn đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản về vùng nông thôn, do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, do đó địa phương gặp khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động. Việc triển khai xây dựng theo phương châm “Dân làm Nhà nước hỗ trợ" trên địa bàn huyện trong điều kiện mặt bằng dân trí còn thấp, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số cao, điều kiện kinh tế khu vực nông thôn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vì vậy kết quả huy động người dân tham gia thực hiện còn rất hạn chế.
Mặc dù vậy năm 2016, Sa Thầy cũng đã tập trung các nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, huy động được 10 tỷ 374 triệu đồng thực hiện các hạng mục như sửa chữa nước sinh hoạt, xây mới phòng học, lắp đặt đường điện sinh hoạt, nâng cấp và xây mới một số tuyến đường giao thông nông thôn, đào 3 hố chôn lấp rác thải và triển khai đào tạo nghề nông nghiệp nông thôn với tổng số 8 lớp với 220 học viên tham gia. Riêng tại xã Sa Nghĩa, từ năm 2014 đến nay vẫn "dậm chân tại chỗ" với 13/19 tiêu chí, còn 6 tiêu chí chưa đạt (giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở, hộ nghèo, môi trường).
Lý giải về việc từ năm 2014 đến 2016 không đạt thêm tiêu chí nào, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa cho biết, cuối năm 2014, xã tiếp nhận thêm 1 thôn với 100% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên số hộ nghèo của xã tăng lên, việc thực hiện tiêu chí về nhà ở bị hạn chế do đồng bào dân tộc thiểu số tách hộ chủ yếu sống trong các ngôi nhà tạm. Trong vài năm trở lại đây, thực hiện công văn của Ban chỉ đạo Trung ương, nguồn kinh phí từ Trung ương, tỉnh Kon Tum và huyện Sa Thầy phân bổ về cho xã Sa Nghĩa quá ít, xã không có kinh phí đầu tư cho các hạng mục chưa đạt.
Thời gian tới huyện Sa Thầy tiếp tục bổ sung kinh phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng nông thôn mới cấp xã đối với 7 xã còn lại trên địa bàn huyện. Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên trong kế hoạch năm 2017; phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, xác định các mô hình có hiệu quả như trồng rau an toàn, nuôi bò sinh sản để nhân rộng...; rà soát, xác định đối tượng, xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững; quan tâm công tác môi trường, giáo dục, y tế…
Huyện Sa Thầy cũng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn UBND các xã tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới; chủ động, thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh việc thu hút các nguồn lực để có nguồn kinh phí đầu tư các hạng mục trong 19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới.