Huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, đẩy mạnh trồng rừng để lấy nguyên liệu sản xuất lâm sản và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nghề sản xuất lâm sản. Ảnh: Nguyễn Đình Nam - TTXVN |
Đến nay, nhiều công trình, đường giao thông đã được xây mới, nền kinh tế phát triển ổn định, thu nhập người dân ngày càng nâng cao. Vì vậy, ngày 7/3/2018, thủ tướng chính phủ đã kí quyết định đồng ý cho huyện Như Xuân thoát khỏi danh sách các huyện nghèo giai đoạn 2018-2020.
Ông Lê Đình Chuyên, Trưởng phòng lao động huyện Như Xuân cho biết, Như Xuân là huyện miền núi nghèo, nền kinh tế nông nghiệp chậm phát triển, cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số đang còn khó khăn. Vì thế, để làm thay đổi vùng quê nghèo, trong 10 năm qua, huyện đã dùng hơn 318 tỷ đồng nguồn vốn từ chương trình để xây dựng 32 công trình gồm 8 công trình hồ đập, 11 công trình giao thông, 12 trạm y tế và 1 trường học.
Bên cạnh đó, huyện cũng phân bổ 64 tỷ đồng cho các xã thực hiện các dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Điển hình như, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất thông qua các dự án hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và đất để trồng rừng sản xuất với tổng diện tích là 19.413 ha/1.499 hộ tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ trên 7 tỷ đồng.
Huyện cũng cấp 28,56 tấn giống lúa lai, 3,8 tấn giống ngô lai, 26 máy bơm nước loại nhỏ, 5 máy tuốt lúa, 138 máy cày để giúp người dân mở rộng sản xuất.
Đặc biệt, với số vốn tỉnh giao hơn 23 tỷ đồng để thực hiện các dự án hỗ trợ trâu, bò cho người dân nghèo, huyện đã mua 3.821 con trâu, bò để cấp cho các hộ dân. Cùng với đó, huyện đã cấp 3.257 con lợn giống, 1.483 con dê cái sinh sản, 1.920 con thỏ New Zealand và hướng dẫn người dân thực hiện 11 mô hình phát triển kinh tế.
Nhờ sự thực hiện tốt Nghị quyết 30a và kết hợp triển khai các chính sách giảm nghèo khác như hỗ trợ về nhà ở, y tế, tiền điện cho hộ nghèo, xuất khẩu lao động. Tính đến tháng 10/2018, huyện Như Xuân còn 8/18 xã, 87/184 thôn, bản đặc biệt khó khăn, hiện đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 23,3 triệu đồng/người/năm.
Ngoài ra, số hộ nghèo toàn huyện cũng đã giảm còn 2.498 hộ nghèo, số hộ cận nghèo là 2.452 hộ, điều này cho thấy sau khi có nguồn vốn hỗ trợ, nhiều người dân tộc thiểu số đã phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Tiêu biểu như ông Hoàng Văn Tuấn (53 tuổi) ở thôn Vân Tiến, xã Cát Vân, trước đây ông được hỗ trợ trâu giống, sau đó ông đã thực hiện mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi và trồng rừng kinh tế.
Đến nay, trang trại của ông Tuấn đã mở rộng hơn 60 ha đất bao gồm 3 ha thanh long, 5 ao cá, 10 con bò, 4 ha diện tích trồng cây ăn quả như bưởi, gừng, chuối, mía và gần 40 ha trồng các loại cây lâm nghiệp như keo, lát, cao su. Hiện thu nhập của gia đình ông khoảng 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 40 lao động với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Tại xã Thanh Xuân, hàng năm UBND xã luôn chỉ đạo các thôn thực hiện đúng kế hoạch giảm nghèo để giúp đỡ các hộ khó khăn theo ưu tiên lựa chọn những hộ nghèo, hộ cận nghèo có lao động nhưng thiếu vốn, thiếu đất sản xuất để hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp dân phát triển sản xuất.
Chị Lữ Xuân Việt, người Thái, trú tại thôn Đồng Phống, xã Thanh Xuân cho biết, năm 2014 chị được hỗ trợ 10 triệu đồng mua 1 con trâu. Sau đó trâu đẻ 5 con, chị bán lấy vốn mua các giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, kết hợp trồng rừng kinh tế.
Bằng sự chăm chỉ, đến nay chị đã có 1 gia trại nhỏ với 3 con trâu, 8 con lợn sinh sản, 1 ha trồng rau, 2 ha trồng rừng. Thu nhập mỗi năm của gia đình chị đạt 60 triệu đồng/năm, nhờ đó chị đã chính thức thoát nghèo.
Anh Phạm Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết, năm 2017, xã được chương trình 30a hỗ trợ 100 triệu đồng để mua 10 con bò giống, chương trình 135 hỗ trợ 280 triệu đồng để mua con giống cho 28 hộ dân. Đến nay, nhiều hộ dân được hỗ trợ đã vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Lê Đình Chuyên, Trưởng phòng lao động huyện Như Xuân, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục rà soát, phân nhóm hộ nghèo để thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển sản xuất và thu hút đầy tư, xây dựng đường giao thông, các công trình thủy lợi, điện, trường học.
Đồng thời, huyện sẽ thực hiện chủ trương phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm cho lao động, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phục vụ chế biến nông, lâm sản, mộc dân dụng, gỗ ván ép, đá xẻ xuất khẩu.
Nguyễn Nam