Huyện Cái Bè nằm ở đầu nguồn sông Tiền, tỉnh Tiền Giang có trên 17.000 ha vườn với sản lượng mỗi năm đạt trên 283.000 tấn quả các loại. Đây cũng là địa phương có có tiềm năng lớn về kinh tế vườn đang được đầu tư khai thác nhằm giúp nông dân cụ thể hóa chủ trương “chung sống với lũ” với nhiều trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, hướng đến xuất khẩu mà nổi bật là: xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, rồi cam xoàn, cam sành,…mang lại giá trị kinh tế lớn.
Thu hoạch xoài cát. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN |
Xoài cát Hòa Lộc có xuất xứ từ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè đã được cấp chỉ dẫn địa lý, là một trong những loại trái cây đặc sản nổi tiếng của Tiền Giang, được xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ và đưa lên phục vụ khách hạng thương gia trên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Đây là nỗ lực xúc tiến thương mại, quảng bá cho những loại trái cây đặc sản có tiềm lực xuất khẩu lớn của địa phương, tạo thuận lợi thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường xuất khẩu khó tính nhưng hiệu quả cao. Toàn tỉnh hiện có trên 1.500 ha xoài cát Hòa Lộc trong đó Cái Bè chiếm khoảng 50% diện tích. Huyện cũng đã thành lập được Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng thu hút 114 hộ xã viên, có diện tích canh tác 68 ha đạt chứng nhận VietGAP. Năm 2019, dự kiến mở rộng thêm 30 ha VietGAP, nâng tổng diện tích xoài cát Hòa Lộc VietGAP lên 100 ha. Đồng thời, phát huy hơn nữa tiềm năng kinh tế vườn quả đặc sản, giúp nông dân an tâm ổn định đời sống theo hướng “chung sống với lũ”, huyện Cái Bè quan tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp; khuyến cáo bà con quy hoạch vườn cây theo hướng chuyên canh, chọn giống tốt và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây ăn quả; thực hiện quy trình canh tác VietGAP, GlobalGAP đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 … Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, Thạc sĩ Phạm Văn Thanh cho biết, nhiều đề tài, đề án, dự án chuyển giao khoa học nông nghiệp trên lĩnh vực kinh tế vườn đang được triển khai hiệu quả. Điển hình như Đề án chuyển đổi giống xoài cát Hòa Lộc – bưởi lông Cổ Cò giai đoạn 2016 – 2020. Trong khuôn khổ đề án, năm 2016 huyện triển khai hỗ trợ giống xoài cát Hòa Lộc cho 103 hộ nông dân ở các xã vùng chỉ dẫn địa lý với tổng diện tích 42,65 ha và số lượng cây giống gần 11.000 cây. Năm 2017, hỗ trợ giống xây dựng vùng nguyên liệu bưởi lông Cổ Cò ở 3 xã: Đông Hòa Hiệp, An Thái Trung, Mỹ Lợi A trên tổng diện tích 59, 9 ha và 19.168 cây giống với 138 hộ nông dân hưởng lợi. Năm 2018 vừa qua tiếp tục hỗ trợ xây dưng vùng nguyên liệu bưởi lông Cổ Cò và giống xoài cát Hòa Lộc cho nông dân các vùng chỉ dẫn địa lý. Cái Bè còn thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát triển nhãn Idor liên kết theo chuỗi giá trị tại huyện Cái Bè” ở địa bàn 2 xã Hòa Khánh và Hậu Thành với tổng diện tích 23,5 ha, 4.471 cây giống và 61 hộ dân. Vườn cây đang phát triển tốt, hứa hẹn cho nhà vườn những vụ mùa bội thu. Việc đầu tư khoa học công nghệ mạnh mẽ tạo ra động lực mới cho ngành trồng cây ăn quả đặc sản vùng lũ đầu nguồn sông Tiền thăng hoa, giúp diện mạo nông nghiệp – nông dân – nông thôn thay đổi theo hướng hiện đại. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Cao Văn Hóa, các loại cây ăn quả chủ lực đặc sản ở Cái Bè đều cho thu nhập cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa năng suất cao. Đơn cử như: mít Thái lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/ ha/ năm, xoài lợi nhuận gần 690 triệu đồng/ ha/ năm, bưởi da xanh cho lợi nhuận 630 triệu đồng/ ha/ năm... Kinh tế phát triển, mà chủ lực là kinh tế vườn quả tạo động lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện Cái Bè có 24 xã thì đã có 10 xã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới. Năm 2019, phấn đấu ra mắt thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có xã Hòa Hưng, quê hương cây xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng.
Minh Trí
(TTXVN)