Gà được bổ sung các chế phẩm thảo dược trong quá trình nuôi. Ảnh :vietlinh.vn |
Từ 3 hộ được chọn nuôi thí điểm
Sáng kiến nuôi GTD thực hiện từ tháng 4/2016 với sự hỗ trợ của dự án (DA) “Nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do Tổ chức Irish Aid, Đại sứ quán Ai Len tài trợ. DA được triển khai tại xã Phong Mỹ (Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) với sự tham gia của Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD), Trường đại học Nông lâm Huế.
Qua khảo sát thực địa của DA, Phong Mỹ có nhiều ưu thế trong phát triển nuôi gà với vùng đất đồi rộng, người dân có nhiều kinh nghiệm nuôi gà truyền thống. Ban đầu, DA chỉ chọn 3 hộ phát triển mô hình. Theo đó, DA hỗ trợ giống gà Ri, thức ăn, vacxin, thảo dược, tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ phát triển thị trường; người dân đối ứng tiền mua thức ăn, chăm sóc và quản lý…Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân, chính quyền và DA, mô hình nuôi GTD mang lại kết quả tốt ngay từ vụ nuôi đầu.
Ông Hoàng Chiến, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết, ban đầu các hộ nuôi gặp khá nhiều khó khăn vì quá trình nuôi phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật nhất định, theo dõi từng ngày, bổ sung thảo dược… Thế nhưng khi tham gia hết tiến trình can thiệp, người dân đã tự tin hơn trong quá trình chăn nuôi, hiệu quả chăn nuôi cũng thấy rõ.
Sau một thời gian triển khai DA từ 3 hộ ban đầu, đến nay toàn xã đã phát triển lên 5 hộ nuôi GTD. Hiệu quả chăn nuôi cao hơn, nếu trung bình 1 kg gà thả vườn người nông dân thu được 80 ngàn đồng thì với GTD, giá trị sản phẩm tăng lên 110-120 ngàn đồng/kg, cao hơn 20-30% so với gà thường. Quá trình nuôi được bổ sung thường xuyên các kháng sinh tự nhiên nên chưa phát hiện dịch bệnh trên gà.
Dự kiến trong năm nay, xã sẽ triển khai nhân rộng thêm 10 hộ và xúc tiến thành lập tổ hợp tác phát triển mô hình, hướng đến xây dựng thương hiệu GTD Phong Mỹ.
Theo ông Đỗ Cao Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu DA, khác với phương thức nuôi gà truyền thống chỉ bổ sung tinh bột và thức ăn công nghiệp, nuôi GTD không bổ sung thức ăn công nghiệp mà chỉ sử dụng thức ăn tự nhiên. Quá trình nuôi tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, bổ sung chế phẩm thảo dược vào thức ăn, có ghi chép hàng ngày.
Ngoài bổ sung thảo dược qua đường ăn, các hộ chăn nuôi còn phải bổ sung qua đường uống như sử dụng nước gừng, tỏi giúp phòng bệnh cúm cho vật nuôi khi thời tiết thay đổi. Các thảo dược này còn có tác dụng tẩy giun, duy trì bổ sung 2 buổi/tuần vừa tốt cho đường ruột, tăng sức đề kháng cho gà.
Tiền đề mở rộng thị trường
Với thành công ban đầu từ mô hình ở Phong Mỹ, tháng 10/2017, anh Đỗ Cao Anh mạnh dạn xây dựng trang trại GTD tại Hương An (Hương Trà) với nhiều định hướng mới cho mô hình này.
Trang trại nằm cách khu dân cư tập trung gần 1km đường núi có diện tích gần 1ha. Hệ thống chuồng trại khá hoàn chỉnh từ hồ nuôi cá, khu nuôi heo, gà tập trung, khu đất trồng dược liệu, rau sạch…
Gà nuôi theo hướng này ngoài bổ sung thảo dược được bào chế sẵn thì những thực phẩm tươi cũng rất cần thiết trong quá trình bổ sung dinh dưỡng cho gà. Ví như, bổ sung cây cỏ mực tươi sẽ giúp tăng cường hấp thu và giảm những bệnh về đường tiêu hóa; mầm bắp giúp quá trình chuyển hóa dinh dưỡng thuận lợi hơn.
Hiện trang trại đang phát triển trên 5.000 con gà, trung bình mỗi tháng nhập thêm 2.000 con theo hình thức quay vòng. Lứa đầu tiên tại trang trại Hương An đã xuất chuồng với giá bán 115-120 ngàn đồng/kg gà sống và 160 ngàn đồng/kg gà làm sạch, đóng gói hút chân không. Sản phẩm GTD hiện đã có mặt ở một số cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP. Huế. Tại Đà Nẵng có 3 đại lý và Hà Nội 1 đại lý chuyên kinh doanh GTD.
Ông Đỗ Cao Anh thông tin, tháng 8/2018, đề tài phát triển mô hình GTD sẽ chính thức hoàn thiện và nghiệm thu. Chúng tôi đã xin thêm nguồn từ Đại sứ quán Úc tiếp tục nghiên cứu và công bố đề tài trên các tạp chí quốc tế; sau Tết Mậu Tuất sẽ tiến hành thí nghiệm đánh giá lại hàm lượng cũng như tỷ lệ dinh dưỡng trong GTD, có đối sánh với cách nuôi truyền thống, tổ chức lại các nhóm sản xuất tiến hành xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ.
Trên cơ sở đó sẽ tiến tới xây dựng khu vực dịch vụ tại trang trại Hương An, xây dựng các kênh phân phối, ký hợp đồng cung ứng thực phẩm sạch cho các hộ gia đình theo năm, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm, giảm chi phí đầu tư.
Đơn vị cũng sẽ xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng, sản xuất gà nguyên liệu ở miền Bắc tại Hà Nội, miền Nam sẽ đầu tư ở Đồng Nai; ban đầu sẽ vận chuyển con giống, dược liệu vào cung ứng tận nơi, dần dần tự chủ động xây dựng vùng dược liệu và con giống đảm bảo sản phẩm GTD sẽ có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.
“Kết quả nghiên cứu ban đầu, gà thảo dược không có dư lượng kháng sinh khi xuất bán, do đó đảm bảo được sức khỏe người tiêu dùng. Chế phẩm thảo dược được tinh luyện từ các dược thảo gồm cam thảo, quế chi, tỏi, sả chanh, đinh lăng, xạ đen, húng quế, gừng có chức năng kháng khuẩn và tăng cường hệ miễn dịch giúp giảm dịch bệnh trên gà và nâng cao chất lượng thịt”, Trưởng nhóm nghiên cứu DA “Nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế”
Theo :vietlinh.vn