Giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 6,5% khi nửa đầu năm mới đạt 3,72%; khả năng giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa… là những vấn đề được báo giới đặt ra trong buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, diễn ra chiều tối 9/9.
* Nhiều giải pháp đồng bộ
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới đạt 3,72%. Đây là mức thấp hơn so với các mục tiêu đề ra, cũng như kịch bản Nghị quyết 01 của Chính phủ. Điều đó đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những tháng cuối năm vì muốn đạt các mục tiêu đề ra thì các kịch bản đều hướng tới mức tăng trưởng khá cao. Có những kịch bản tăng hơn 9%, có kịch bản tăng từ 7-8%. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích kỹ lưỡng, trong đó có kiến nghị về các mục tiêu từ nay đến cuối năm cố gắng đạt được các kết quả tốt nhất có thể. Ngay từ sau Phiên họp thường kỳ tháng 6, Bộ đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP (về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương), đề ra nhiều giải pháp vừa mang tính cấp bách trong năm nay, vừa căn cơ lâu dài để thực hiện các nội dung cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số…
Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được kiểm soát khá tốt từ đầu năm đến nay, chỉ số CPI theo xu thế giảm dần và ở mức thấp; chính sách tài khóa tiền tệ được thực hiện rất tốt. Chính phủ yêu cầu tất cả các cấp, ngành, địa phương tập trung tối đa các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu những điểm thuận lợi như sự phục hồi khá tốt của khu vực dịch vụ, đây là điểm nhấn để tập trung hơn nhằm đóng góp cho tăng trưởng, đặc biệt là du lịch. Thực tế du lịch nước ta trong những tháng qua phục hồi và phát triển rất tốt. Đồng thời, tập trung củng cố và phát triển trụ đỡ rất quan trọng của nền kinh tế là khu vực nông nghiệp. Trong bối cảnh căng thẳng lương thực trên thế giới, điểm thuận lợi của nước ta là nước xuất khẩu nông sản tốt. Tuy nhiên, phải cân đối vừa phục vụ tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm an ninh lương thực nội địa. Đây là ngành chúng ta luôn luôn chú trọng khi gặp khó khăn.
Động lực thị trường trong nước cũng đóng vai trò rất quan trọng. Thủ tướng đã chỉ đạo phải kích thích thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tạo sức cầu lớn cho các doanh nghiệp khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất hướng tới thị trường trong nước, có điều kiện duy trì, mở rộng sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Đây là những động lực cần tập trung nhiều hơn để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất từ nay đến cuối năm.
Bên cạnh đó, phải thường xuyên nắm bắt tình hình, chắt chiu tận dụng từng cơ hội để tăng thêm các đơn hàng quốc tế nhằm tăng cường xuất khẩu, duy trì các hoạt động sản xuất, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo trong nước.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 8/2023 là cao nhất so với tháng cùng kỳ các năm trước đây và trong vòng 5 năm trở lại đây; không chỉ số tương đối, mà còn cả số tuyệt đối. Điều này cho chúng ta niềm tin về việc đạt được mục tiêu cao trong giải ngân từ nay đến cuối năm 2023. Nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp Chính phủ đã đề ra trong các nghị quyết về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, điều quan trọng hơn cả chính là các cơ quan thực hiện vốn đầu tư công phải đẩy nhanh tiến độ và triển khai nhanh các thủ tục giải ngân.
“Hiện nay toàn bộ hệ thống phục vụ cho công tác giải ngân và thủ tục hành chính đã sẵn sàng; nếu có hồ sơ giải ngân sẽ chuyển tiền một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều từ các cơ quan quản lý dự án, các nhà thầu. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tin tưởng mức 95% mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sẽ đạt được trong năm 2023”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
* Tin tưởng vào kết quả khả quan về kim ngạch xuất khẩu
Thông tin con số đáng chú ý: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng; cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, nguyên nhân xuất khẩu phục hồi, trước hết cần ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều chính sách được ban hành kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp.
Từ đầu quý II đến nay, đặc biệt là bước sang quý III, hoạt động xuất khẩu đã có sự khởi sắc. Hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm, như tại Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm tồn kho ở mức 20%, nhưng đến tháng 8 đã giảm còn 10%, dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của chúng ta, khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Từ nay đến cuối năm 2023, dù có những tín hiệu tích cực, song dự báo bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Mặc dù đã chững lại, song lạm phát vẫn ở mức cao tại các thị trường; trong khi tình hình địa chính trị, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứt gãy, giá cả nhóm hàng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn duy trì ở mức cao.
Mặc dù vậy, có những yếu tố giúp chúng ta có thể kỳ vọng từ nay đến cuối năm các đơn hàng xuất khẩu sẽ phục hồi. Đó là các doanh nghiệp Việt Nam vốn có sức chống chịu, linh hoạt và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng đã phát huy sự chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới để bù đắp, thay thế các thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, khai thác tốt các ưu đãi, lợi thế từ những FTA thế hệ mới….
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mục tiêu tăng trưởng 6% kim ngạch xuất khẩu như kế hoạch đặt ra từ cuối năm 2022 là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với sự chủ động, tích cực, sát sao của các cấp, các ngành, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng vào kết quả khả quan về kim ngạch xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2023.
Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu được Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu ra là cần tiếp tục hỗ trợ tối đa trong tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp… Qua đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có động lực duy trì sản xuất kinh doanh, có nguồn vốn nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu theo các đơn hàng mới.
Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, vướng mắc, cảnh báo sớm về biện pháp phòng vệ thương mại của các nước..., hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, cụ thể và hiệu quả nhất.
Bộ cũng sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do - FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), hay các Hiệp định FTA mới với Israel để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.
Chu Thanh Vân