Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/4, đại diện các bộ, ngành đã trao đổi về giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tăng trưởng GDP trong năm sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn cơ hội. Bối cảnh quốc tế có rất nhiều thách thức như: lạm phát tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ của một số quốc gia lớn, nhu cầu thị trường thế giới giảm, tác động của cuộc chiến Ukraine - Nga... Những vấn đề trên tác động lớn đến kinh tế Việt Nam bởi vì nước ta có độ mở lớn. Kết quả tăng trưởng quý I vẫn khá so với bình quân chung trên thế giới và khu vực trong khi các quốc gia khác khá thấp.
Về giải pháp trong những tháng còn lại, Thứ trưởng cho biết, để đạt được mục tiêu GDP Quốc hội giao là 6,5%, Việt Nam cần cố gắng nỗ lực rất lớn để các quý còn lại phải bù đắp quý I tăng thấp. Đồng thời, cần giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đây là nền tảng để thực hiện những vấn đề khác. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho rằng, có 2 chính sách trọng tâm đó là chính sách tiền tệ và tài khóa. Hiện nay, với tác động của tiền tệ thế giới, Việt Nam gặp nhiều thách thức, đòi hỏi sự nhạy bén rất lớn, đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển. Vì vậy, cần rà soát các động lực tăng trưởng còn lại của nền kinh tế, lấy thuận lợi bù đắp cho khó khăn. Hiện Việt Nam có thể lấy nông nghiệp là bệ đỡ và dịch vụ đang có triển vọng để hỗ trợ cho sản xuất.
Ở khía cạnh tiêu dùng, Thứ trưởng đánh giá động lực xuất khẩu về quy mô giảm nhưng cân đối được thặng dư xuất khẩu, xuất siêu hơn 4 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài và tư nhân có giảm nhưng vẫn tăng trưởng dương.
"Thủ tướng cũng chỉ đạo quan tâm vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Cuối cùng là phát triển thị trường trong nước, đây là điều quan trọng và cần áp dụng các giải pháp để phát triển", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, địa phương cũng cần thành lập các tổ công tác để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, vượt qua các khó khăn, đạt được các mục tiêu trong các tháng, quý còn lại.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nghiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng yêu cầu, Chủ tịch UBND tỉnh phải là Chủ tịch của tổ công tác địa phương, tháo gỡ khó khăn pháp lý cho doanh nghiệp.
Thỏa thuận, thống nhất về khung giá điện năng lượng tái tạo
Trả lời về khung giá điện năng lượng tái tạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước đây, các dự án được áp dụng giá FIT - cơ chế giá điện hỗ trợ được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió (được quy định chỉ áp dụng trong khoảng thời gian nhất định). Sau khi cơ chế này hết hiệu lực (dự án hoàn thành sau ngày 31/10/2021), cần có một cơ chế giá điện mới cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, để xây dựng được khung giá điện này, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15, quy định phương pháp xác định khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã báo cáo Bộ Công Thương về khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở tính toán của EVN, Bộ đã tham khảo, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành liên quan, như: Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, xem xét ý kiến của Hội đồng Tư vấn; sau đó đã ban hành Quyết định số 21, quy định khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để làm cơ sở cho EVN và các chủ đầu tư thỏa thuận giá điện, sớm đưa nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.
Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, khung giá điện này đã được tính toán trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió. Việc lựa chọn thông số đầu vào để tính toán khung giá đã được thực hiện theo đúng tinh thần của Thông tư 15. Sau khi có khung giá điện này, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư chuyển tiếp, thỏa thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.
Việc đàm phán này cần được thực hiện trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, dự án phải chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy, chữa cháy… Thứ trưởng mong muốn, EVN cũng như các chủ đầu tư thực hiện đúng theo tinh thần trên, vừa đảm bảo sớm nhất đưa các dự án vào hoạt động, vừa phải tuân thủ đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Xuân Tùng