Với đồng bào các dân tộc trên đại ngàn Tây Nguyên, tre nứa luôn gắn liền với cuộc sống thường ngày, mang đậm “hơi thở” của núi rừng. Đi khắp các buôn làng Tây Nguyên, không khó để nhận ra những vật dụng làm từ tre nứa, được đồng bào sử dụng hàng ngày như gùi, sàng, mẹt, đồ bắt cá, giỏ bắt gà…Cũng từ cây tre, cây nứa, lồ ô, đồng bào nơi đây còn sáng tạo nên một thế giới âm nhạc dân gian đồ sộ, độc đáo và giàu bản sắc với từng nhạc cụ đơn giản mà tinh tế như đàn t’rưng, brâng, brố, kèn đing năm, đing puốt, đing pơng, đing tút, klông pút, kèn môi, sáo vỗ…
Trân quý những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên, mới đây, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng & Homestay Ama H’Mai trưng bày chuyên đề “Hồn tre Tây Nguyên”.
Thông qua 109 hình ảnh, 55 hiện vật cùng những câu chuyện, sản phẩm làm từ tre nứa, chuyên đề “Hồn tre Tây Nguyên” đã giới thiệu rộng rãi tới công chúng các di sản văn hóa, giúp mọi người am hiểu hơn về cội nguồn cũng như đời sống của đồng bào các dân tộc trên mảnh đất cao nguyên hùng vĩ.
Hoài Thu