Ngày 19/4, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng tư nhân Ama H’Mai tổ chức trưng bày chuyên đề “Hồn tre Tây Nguyên”.
Trưng bày chuyên đề “Hồn tre Tây Nguyên” giới thiệu 109 hình ảnh, 55 hiện vật cùng những câu chuyện, các sản phẩm làm từ tre, nứa của đồng bào dân tộc tại chỗ đang sinh sống tại Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Các hình ảnh, hiện vật được bố trí theo khu, với 3 chủ đề là nghề đan lát thủ công truyền thống, nhạc cụ dân gian làm từ tre nứa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức hoạt động biểu diễn âm nhạc với các loại nhạc cụ từ tre nứa do các nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk thực hiện, trình diễn nghề thủ công đan lát và chế tác nhạc cụ từ tre nứa.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk Đinh Một cho biết, Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Địa hình cư trú gắn với núi rừng nên nền văn hóa của Tây Nguyên mang hơi thở của rừng, trong đó phải kể đến những vật dụng làm từ tre, nứa. Từ tre, nứa, người dân Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã sáng tạo nên những vật dụng phục vụ sản xuất và đời sống gia đình, sáng tạo thành những nhạc cụ làm đời sống tinh thần rộn ràng hơn. Trưng bày chuyên đề “Hồn tre Tây Nguyên” là những câu chuyện kể liên hoàn giúp du khách, thế hệ trẻ am hiểu hơn về cội nguồn, về đời sống đồng bào các dân tộc sinh sống trên mảnh đất cao nguyên hùng vĩ.
Trưng bày chuyên đề “Hồn tre Tây Nguyên” khai mạc nhân kỷ niệm 14 năm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4/2008 - 19/4/2022), là dịp để giới thiệu, tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân; góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng trong cuộc sống đương đại. Đây cũng là hoạt động chào mừng 47 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), phục vụ du khách xa gần khi đến Đắk Lắk du lịch.
Ông Phùng Minh Tuấn, khách du lịch đến từ tỉnh Quảng Ninh cho biết, ông từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Nay hơn 40 năm sau ngày giải phóng, đặt chân trở lại Buôn Ma Thuột, ông tự hào vì sự phát triển của vùng đất này và càng vui mừng hơn khi tỉnh Đắk Lắk bảo tồn được các nhạc cụ dân tộc. Theo ông Phùng Minh Tuấn, nhạc cụ làm từ tre, nứa nhìn thì đơn sơ, mộc mạc song những nốt trầm bổng, réo rắt, mang âm hưởng, giá trị riêng, dễ đi sâu vào lòng người.
Bạn Nguyễn Thị Trang, sinh viên Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam cho biết, nhân chuyến tham quan do nhà trường tổ chức, đến với Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk và nghe giới thiệu về chuyên đề “Hồn tre Tây Nguyên”, Trang am hiểu hơn về văn hóa của các dân tộc sinh sống tại tỉnh Đắk Lắk. Trang cũng bày tỏ sự tự hào của bản thân khi ông cha ta từ xa xưa đã biết nhiều vật dụng, nhạc cụ từ tre, nứa và lưu truyền, sử dụng đến ngày nay.
Trưng bày diễn ra đến hết ngày 31/5.
Hoài Thu