Cán bộ thú y phun khử trùng cho nhà dân khu vực xung quanh ổ dịch cúm A/H5N6 tại xã An Hồng, An Dương, Hải Phòng. Ảnh: Minh Thu- TTXVN |
Theo Cục Thú y, Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025 dự kiến có tổng kinh phí là hơn 762 tỷ đồng; trong đó nguồn từ Trung ương là 51,5 tỷ đồng, địa phương là 711 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm kiểm soát, khống chế không để dịch cúm gia cầm xảy ra và lây lan diện rộng. Chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; Tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngăn chặn không để các nhánh, các chủng vi rút mới nguy hiểm xâm nhiễm vào Việt Nam. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm. Xây dựng thành công các vùng, chuỗi sản xuất gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm. Kế hoạch cũng phân vùng nguy cơ cao và vùng nguy cơ thấp để có cơ sở kiểm soát hiệu quả dịch bệnh cúm gia cầm. Đối với việc giám sát cúm gia cầm nhằm hiểu rõ hơn đặc diểm dịch tễ, di truyền, kháng nguyên của vi rút cúm để đưa ra khuyến cáo, chọn lọc vắc xin phù hợp cho từng địa phương. Đồng thời, đóng góp thông tin, mẫu vi rút cho cộng đồng quốc tế để nghiên cứu chuyên sâu, sản xuất vắc xin phòng bệnh... Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch là hàng năm, tổ chức hướng dẫn xây dựng được ít nhất 1 vùng (cấp huyện) và ít nhất 1 chuỗi cơ sở sản xuất các sản phẩm chăn nuôi gia cầm đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh; phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 15 vùng (cấp huyện) đạt an toàn dịch bệnh. Hướng dẫn xây dựng các chuỗi sản xuất các sản phẩm chăn nuôi gia cầm đạt an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, đến nay nước ta đã khống chế thành công dịch bệnh cúm gia cầm, không để dịch bùng phát ra diện rộng. Hiện tại dịch bệnh có tính chất địa phương và chỉ phát sinh rải rác với số gia cầm mắc bệnh, chết giảm dần qua các năm. Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm cho người đã giảm thiểu, số người mắc bệnh và số người tử vong do vi rút cúm gia cầm giảm mạnh qua các năm; đặc biệt từ nửa cuối năm 2014 đến nay không ghi nhận thêm ca bệnh trên người. Qua đó, ngành chăn nuôi gia cầm được khôi phục và tăng trưởng ổn định; giảm thiểu ô nhiễm môi trường do không tiêu hủy đàn gia cầm nhiễm bệnh với số lượng lớn. Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, trong giai đoạn 2014 - 2018, thực hiện Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh cúm gia cầm, Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh cúm gia cầm. Đáng chú ý, ngăn chặn thành công sự xâm nhiễm của vi rút cúm A/H7N9 vào Việt Nam; không có ca bệnh cúm gia cầm trên người và không có người nhiễm vi rút cúm A/H7N9. Đặc biệt, đã xuất khẩu được sản phẩm gia cầm sang thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm vào Việt Nam là rất cao, nhất là tại các tỉnh giáp biên giới với các nước. Kết quả giám sát cũng cho thấy tỷ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm type A/H5N1 và A/H5N6 tương đối cao, trung bình khoảng 5%.
Thành Trung