Các đại biểu hưởng ứng Dự án “Chuyển đổi Đồng bằng sông Cửu Long” vận động nguồn vốn từ Quỹ Khí hậu xanh. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN |
Mục tiêu của dự án là nhân rộng chuyển đổi sinh kế của nông dân nhỏ lẻ sang những mô hình chống chịu khí hậu và tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị dựa vào lũ ở các khu vực được chọn của Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng nguồn vốn cho dự án là 40 triệu USD bằng nguồn vốn không hoàn lại từ Quỹ Khí hậu xanh.
Bà Anjali Acharya, Chuyên viên cao cấp về môi trường của Ngân hàng Thế giới cho biết, dự án gồm 3 hợp phần. Hợp phần 1 là hỗ trợ thực hiện các chính sách liên quan đến tính chống chịu khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long; hợp phần 2 là nhân rộng tính chống chịu với biến đổi khí hậu cho các dự án liên tỉnh và hợp phần 3 là quản lý và giám sát dự án. Qua đó, để phục hồi chức năng hệ sinh thái vùng lũ, nhằm hấp thụ nước, cũng như giảm quá trình xâm nhập mặn từ hạ nguồn; xây dựng hạ tầng quy mô nhỏ để tăng cường chuỗi giá trị loại hình nông nghiệp dựa vào mùa lũ. Các giải pháp dựa vào tự nhiên sống chung với lũ tại vùng thượng nguồn…
Ông Nguyễn Hữu Thiện - nhóm tư vấn của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa ra các tiêu chí để xác định dự án GCF là đáp ứng mục tiêu thích ứng của GCF giảm rủi ro thiên tai từ lũ và hạn cực đoan thông qua sử dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Sáu tiêu chí đầu tư của GCF là: tiềm năng tác động; thay đổi hình mẫu phát triển; đáp ứng nhu cầu của quốc gia, cộng đồng tiếp nhận; hiệu quả và tiết kiệm chi phí; tầm nhìn và hướng đi chiến lược liên kết vùng của Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên và thực hiện Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ là tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chuyển đổi từ thuần túy sản xuất chạy theo số lượng sang làm kinh tế nông nghiệp, tập trung vào chất lượng và chuỗi giá trị...
Ông Achim Fock, Giám đốc Điều phối danh mục và hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN |
Hiện 3 tỉnh (Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang) đang xây dựng Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười, trong đó tập trung vào việc nâng cấp chuỗi và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng Đồng Tháp Mười, du lịch sinh thái, hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, cấp nước nông thôn và điện; quy hoạch không gian, quản lý tài nguyên nước; hệ thống thông tin cấp vùng; xây dựng thể chế, chính sách cho khu vực.
Để thực hiện định hướng trên, tỉnh Đồng Tháp đề nghị Ngân hàng Thế giới, Quỹ Khí hậu Xanh hỗ trợ nhân rộng việc chuyển đổi sinh kế của các hộ nông dân sản xuất theo hướng có khả năng chống chịu với khí hậu và tăng cường sự tham gia của nông dân vào chuỗi sinh kế mùa lũ; đầu tư xây dựng một số hạ tầng thiết yếu phục vụ cho quá trình chuyển đổi sinh kế, tăng khả năng chống chịu khí hậu. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan và Ngân hàng Thế giới quan tâm, hỗ trợ sinh kế và việc làm cho người dân vùng sạt lở di dời vào cụm tuyến dân cư; đồng thời đề xuất ý tưởng đầu tư một số dự án tại địa phương như chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng sen; phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch; xây dựng hệ thống tưới tiêu thông minh.
Nguyễn Văn Trí