Người dân xã Xuân Phương (Phú Yên) thu hoạch tôm hùm để bán. Ảnh: Thế Lập - TTXVN |
Đại diện cơ quan quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp và nông dân điển hình nuôi tôm hùm của 5 tỉnh miền Trung: Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đã tham gia hội thảo.
Tại hội thảo, nhiều vấn đề liên quan đến chính sách quy hoạch nuôi tôm hùm, hỗ trợ thiệt hại thủy sản khi có thiên tai, cách phòng ngừa và hạn chế lây lan dịch bệnh trên diện rộng khi nuôi tôm hùm, các kỹ thuật nuôi tôm hùm bằng công nghệ lồng nuôi mới... được các đại biểu tập trung thảo luận.
Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, số lồng nuôi và tôm hùm nước ta những năm gần đây tang lên nhanh chóng. Năm 2010, cả nước có hơn 49.000 lồng, đến năm 2017 tăng lên hơn 83.000 lồng; sản lượng ước đạt 1.530 tấn; trong đó, tại Phú Yên khoảng 500 tấn, Khánh Hòa 984 tấn, còn lại ở các tỉnh khác. Tuy nhiên, giá tôm hùm thương phẩm lại giảm từ 2,5 triệu đồng / kg năm 2014 xuống còn 1,6 triệu đồng/ kg năm 2018.
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy Sản cho biết, việc phát triển nuôi tôm hùm thiếu bền vững dẫn đến sản lượng thấp, không ổn định. Nghề này mặc dù đưa lại giá trị kinh tế cao nhưng đang đứng trước nhiều thách thức về quy hoạch và quản lý quy hoạch. Đó là, mật độ lồng nuôi tôm ngày càng gia tăng, vị trí nuôi tôm hùm nằm chung với khu vực nuôi cá biển và các loài thủy sản khác, thậm chí một số điểm còn đang nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp.
Tôm hùm nước ta chủ yếu lấy nguồn giống từ tự nhiên, chưa sản xuất được giống nhân tạo, phần lớn phải nhập khẩu giống từ Philippines và các nước khác, vì vậy khó chủ động về chất lượng nguồn giống. Công nghệ nuôi tôm hùm ở Việt Nam vẫn áp dụng theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ, thức ăn sử dụng chủ yếu là cá tạp, cua sò… tôm hùm không ăn hết, dễ gây ô nhiễm môi trường và gây bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thu mua tôm hùm thông qua thương lái, chưa có liên kết lâu dài với nhà nông.
Tỉnh Khánh Hòa có ba vịnh Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong với diện tích trên 1000.000 ha nuôi trồng thủy hải sản. Để nuôi tôm hùm bền vững qua các năm, tỉnh đã thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra phòng bệnh, tăng cường sức đề kháng cho tôm, quản lý chặt chẽ nguồn chất thải trên các vùng nuôi…
Toàn tỉnh có hơn 40.000 lồng nuôi tôm hùm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, bão số 12 (tháng 11/2017) đã gây thiệt hại lớn cho bà con, số lượng lồng bè còn lại đến thời điểm này vẫn chưa thống kê đầy đủ.
Quảng Ngãi mới bắt đầu phát triển với nghề nuôi tôm hùm những năm gần đây với số lượng không lớn, khoảng 400 lồng trên diện tích 2.000 m2. Ông Nguyễn Hữu Thái, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Ngư nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đối với việc chọn tôm giống, nên chọn tôm hùm bông để nuôi vì giống này có tính ưu việt hơn các loài khác như: nhanh lớn, thịt ngon và đặc biệt là thị trường nội địa rất ưa chuộng và giá bán cao. Mật độ thả không dày đặc, từ 4 - 5 con/m2 thuận lợi cho việc quản lý, chăm sóc. Để tránh những rủi ro do thời tiết, bà con Quảng Ngãi chủ yếu nuôi theo kiểu lồng chìm.
Đối với tỉnh Phú Yên, một trong những thủ phủ nuôi tôm hùm lớn nhất nước, thành công từ việc nuôi tôm hùm đã giúp đời sống của bà con nông dân có cuộc sống tốt và đầy đủ hơn.
Nông dân Lê Thành Tâm có 20 lồng nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu chia sẻ, đầu tiên để nuôi được tôm hùm cần phải chọn được vị trí vùng nuôi đầm, vịnh, vũng có độ sâu từ 6 m trở lên, tránh xa các nguồn nước thải công nghiệp, nông nghiệp, y tế… Đồng thời, nên chọn mua con giống ngay tại địa phương để đỡ tốn chi phí vận chuyển, tôm ít bị sốc khí hậu và môi trường; phải sử dụng thức ăn có nguồn gốc chất lượng tốt. Bên cạnh đó, phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của tôm, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho tôm trong từng giai đoạn phát triển; thường xuyên vệ sinh lồng bè và bảo vệ môi trường chung của vùng nuôi.
Phan Sáu