Ngày 13/7, tại thành phố Lào Cai đã diễn ra Hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo 13 tỉnh trong khu vực và 248 đại biểu.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Để thực hiện đầy đủ các nội dung Chỉ thị 42 của Ban Bí thư, Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai năm 2020 và các văn bản liên quan; chủ động phòng, chống và khắc phục kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp đã khẩn trương xây dựng kế hoạch công tác của mình, phân công các thành viên thực hiện kế hoạch, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp cũng đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn khu dân cư ven sông, suối; khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản; kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp rà soát kịch bản, phương án ứng phó, sẵn sàng hành động khi có sự cố.
Thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường và cực đoan
Tiến sĩ Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết, khu vực miền núi phía Bắc có địa hình núi cao, độ dốc lớn, chia cắt, địa chất phức tạp, nhiều sông, suối; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt với mùa đông nhiệt độ xuống thấp; mùa mưa tập trung trên 80% lượng mưa. Vì vậy, tại đây thường xuyên xảy ra băng giá, rét đậm, rét hại, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, mưa đá, dông lốc, sét, động đất, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Bên cạnh đó, nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện, khu khai thác khoáng sản, đường giao thông... được xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng. Tuy nhiên, điều này cũng đã và đang gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất; gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Trong năm 2019, tại khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra 13 trong tổng số 21 loại hình thiên tai, trong đó có 74 trận dông, lốc, sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 7 đợt nắng nóng; 9 trận động đất, làm 42 người chết, mất tích (cả nước 133 người), 19.186 ngôi nhà hư tại, tốc mái; 11.538 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 58.000m3 đất, đá, bê tông đường giao thông bị sạt lở… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính 753 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2020 đến nay tại khu vực này đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó 8 đợt trên diện rộng; đặc biệt mưa đá ngay trong đêm giao thừa và sáng mùng 1 tết Nguyên đán, một hiện tượng dị thường rất hiếm gặp; 2 trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất, trong đó trận động đất vào hồi 13 giờ 12 phút, ngày 16/6/2020 với độ lớn 4,9 (rủi ro thiên tai cấp độ 4) tại Mường Tè (Lai Châu). Tính đến ngày 9/7/2020, thiên tai trong khu vực đã làm 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 ngôi nhà bị sập, 52.015 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; 10.009 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính là 610 tỷ đồng.
Nhiều thách thức đặt ra
Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nêu rõ, mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc, sét, mưa đá vẫn đang gia tăng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặt ra những nhóm thách thức. Đó là dân số gia tăng, thiếu nơi ở, nơi sản xuất an toàn; thông tin không được tiếp nhận thường xuyên; hiểu biết, kỹ năng phòng, chống thiên tai của cộng đồng còn hạn chế.
Công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai còn gặp nhiều khó khăn; hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực còn hạn chế, nhiều công trình xuống cấp, thiếu gắn kết với công tác phòng. chống thiên tai, chịu tác động rất lớn của mưa lũ, sạt lở, nhất là các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi, các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã, hệ thống lưới điện và thông tin liên lạc.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, vận hành hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ còn nhiều bất cập, nguy cơ làm gia tăng rủi ro khi có mưa lũ lớn; thiếu các thiết bị chuyên dùng để nắm bắt tình hình, tiếp cận nhanh chóng địa điểm xảy ra thiên tai và phát hiện, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người bị ảnh hưởng; còn nhiều khi chưa phát hiện kịp thời các khu dân cư, công trình có nguy cơ sạt lở, các ao hồ không an toàn, các khe suối đang tắc nghẽn, tích tụ nước nguy cơ gây lũ ống, lũ quét hoặc ứng phó kịp thời khi chưa có lực lượng chi viện của cấp trên đang phổ biến ở nhiều địa phương.
Ngoài ra, hầu hết Văn phòng thường trực (cơ quan tham mưu) có bất cập cả về tổ chức, chức năng nhiệm vụ, trang thiết bị, trình độ của cán bộ (trừ tỉnh Lào Cai) dẫn đến tình trạng theo dõi giám sát thiên tai, tích hợp, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ tham mưu từ giai đoạn phòng ngừa đến ứng phó, khắc phục hậu quả nhiều tình huống chưa được kịp thời, lúng túng, thiếu bài bản, hiệu quả thấp.
Kinh nghiệm tại các địa phương
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai Nguyễn Anh Tuấn, đến thời điểm này, Lào Cai là một trong số ít các tỉnh trong cả nước có bộ phận chuyên trách giúp việc cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trong công tác tổ chức thực hiện. Tháng 5/2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đã đề nghị và được UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai trên cơ sở chuyển giao nhiệm vụ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thuộc Chi cục Thủy lợi tỉnh Lào Cai (theo Quyết định số 1205/QĐ-UBND ngày 7/5/2015 của UBND tỉnh Lào Cai) thành Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Văn phòng Thường trực được mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước, được sử dụng con dấu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để hoạt động. Việc thành lập Văn phòng Thường trực được thực hiện theo quy định tại Điều 20, Nghị định 160/2018/NĐ-CP. Sau 5 năm đi vào hoạt động đến nay, Văn phòng Thường trực đã đi vào ổn định.
Đề cập đến kinh nghiệm trong phòng, chống với mưa đá, dông, lốc, sét và vai trò của lực lượng xung kích trong phòng chống thiên tai tại cơ sở, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn Hà Kim Oanh cho rằng ngay khi có tình hình thiên tai, thiệt hại xảy ra các đoàn công tác xuống các địa phương bị thiệt hại do thiên tai trực tiếp chỉ đạo việc khắc phục hậu quả; thăm hỏi động viên kịp thời các gia đình bị thiệt hai, hỗ trợ bước đầu giúp người dân giảm bớt khó khăn, đồng thời huy động tối đa nguồn lực để hỗ trợ nhân dân đảm bảo người đối với mưa đá, lốc, sét làm hỏng nhà thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ đảm bảo người dân không bị đói, rét, không có chỗ ở (cấp bạt, cấp chăn, hỗ trợ di chuyển...); tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời các thiệt hại do thiên tai gây ra, hỗ trợ nguồn kinh phí để khắc phục các công trình bị hư hỏng.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của địa phương hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai ổn định sản xuất; sẵn sàng huy động ngay các lực lượng, trang thiết, cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Các ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được giao đều chủ động, sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong năm 2019 được sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tỉnh Bắc Kạn đã thành lập được 2 mô hình điểm tại xã Quân Hà (huyện Bạch Thông), xã Đồng Thắng (huyện Chợ Đồn), đội viên đã được tập huấn về kiến thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai, xây dựng được phương án ứng phó với các loại hình thiên tai, kỹ năng sơ cấp cứu, thực diễn ứng cứu trong tính huống mưa lớn, sạt lở đất...
Hiện nay, lực lượng xung kích cấp xã ở Bắc Kạn đang kiện toàn theo hướng dẫn tại Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến thời điểm hiện tại có 87/108 xã, phường, thị trấn thực hiện xong.
Hướng tới các nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp chỉ đạo triển khai ngay lực lượng xung kích phòng chống thiên tai kiểm tra an toàn nơi ở của người dân ở những nơi nguy cơ cao; các khe suối bị tắc nghẽn; các ao, hồ, đập trưc nước, nuôi trồng thủy sản phía trên khu dân cư, tuần tra canh gác, tháo dỡ vật cản trên các dòng chảy, tránh tích thủy tạo lũ ống, lũ quét.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi có mưa lớn; khắc phục sự cố về điện lưới, thông tin liên lạc, đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn cũng như hỗ trợ các địa phương khác trong khu vực khi có yêu cầu. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp cần chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện; lắp đặt thiết bị theo dõi mưa, dòng chảy, thiết bị cảnh báo xả lũ; giám sát thực hiện quy trình và xử lý nghiêm các chủ hồ không tuân thủ; không cho phép tích nước đối với các hồ đang thi công hoặc không đảm bảo an toàn.
"Còn 4 tỉnh chưa xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư ngày 24/3/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cần khẩn trương thực hiện việc xây dựng, triển khai thực hiện Chỉ thị". Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các tỉnh ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương, quỹ phòng chống thiên tai cho các hoạt động phòng, chống thiên tai, nhất là thông tin, truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng, chỉ huy, chỉ đạo điều hành ứng phó, cứu hộ cứu nạn, phục hồi tái thiết sau thiên tai; xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện có hiệu quả Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi; tham mưu đưa nội dung Phòng chống thiên tai vào nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/6/2018 về công tác phòng chống thiên tai; triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương, các Bộ ngành về phòng chống thiên tai.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành tham mưu xây dựng kế hoạch, kịch bản phương án ứng phó phù hợp với tình hình thiên tai trên địa bàn cho những tháng còn lại, tổ chức diễn tập theo phương án đã xây dựng; theo dõi giám sát chặt chẽ diễn biến thiên tai trên địa bàn, tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ huy.; đề xuất việc kiện toàn Văn phòng thường trực chuyên trách, bổ sung nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, công cụ hỗ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổng hợp kết quả các đoàn công tác kiểm tra tại khu vực, đề xuất kiến nghị của các địa phương, báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo kịp thời xử lý; hướng dẫn nâng cao năng lực Văn phòng thường trực từ ứng dụng khoa học công nghệ, kết nối trực tuyến, xây dựng cơ sở dữ liệu,....; thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai trên thế giới, trong nước, khu vực miền núi phía Bắc để cung cấp thông tin cho Ban Chỉ huy phục vụ điều hành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, trực tiếp là Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia và Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản cung cấp kịp thời các thông tin về mưa và dòng chảy phía thượng nguồn; cập nhật, nâng cấp bản đồ nguy cơ sạt lở đất đá theo hướng tăng cường khả năng ứng dụng cung cấp cho các địa phương trong khu vực.
Bộ Quốc phòng sẵn sàng phương án bố trí lực lượng, phương tiện trang thiết bi phù hợp để kịp thời tiếp cận ứng cận khu vực bị thiên tai và triển khai công tác ứng cứu kịp thời, hiệu quả.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo việc bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ cao, sẵn sàng xử lý sự cố, nhanh chóng thông tuyến các đoạn đường thường xuyên bị sạt lở, chia cắt.
Bộ Công Thương chỉ đạo việc rà soát, lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị theo dõi, quan trắc, giám sát, cảnh báo xả lũ xuống hạ du; phối hợp với địa phương giám sát việc xả lũ theo quy trình đã được phê duyệt; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn khu vực khai thác khoáng sản, ngăn chặn hiện tượng khai thác trái phép.
Viện Vật lý địa cầu tăng cường theo dõi, cung cấp nhanh chóng các bản tin động đất tới các cơ quan chuyên môn, chính quyền và người dân để ứng phó kịp thời.
Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra Lễ phát động phong trào thi đua "Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn giai đoạn 2020-2025" và ký kết giao ước thi đua của 13 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 2 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2019.
Thắng Trung