Tuy nhiên, diễn biến của vòng đấu áp chót (vòng đấu thứ 25) cũng như các vòng đấu trước đó, những người am hiểu môn túc cầu đều có cảm giác, cả hai ứng cử viên nói trên không thật hào hứng với chức vô địch. Nếu điều đáng lo ngại ấy trở thành hiện thực, thì bóng đá Việt Nam tiếp tục trở thành nỗi thất vọng cho người hâm mộ. Không những thế, nó còn gây tác động xấu tới cả nền bóng đá đang ở thời điểm không mấy lạc quan.
Phải thấy rằng, hội chứng sợ vô địch, không còn là hiện tượng, mà đã thành một căn bệnh mãn tính và chưa biết tới khi nào nó mới dừng lại. Trước hết, xin được nói rõ vì sao các đội bóng V.League lại sợ… vô địch đến vậy? Lật lại vài ba mùa giải gần đây để thấy, rất nhiều câu lạc bộ (CLB) mạnh, như FLC Thanh Hóa, Hải Phòng, SHB Đà Nẵng hay Đồng Tháp... tất cả đều có điểm chung là chơi tưng bừng ngay ở đầu mùa giải, nhưng khi đến giai đoạn quyết định thì lại có những trận thua khó hiểu.
Ảnh minh họa- TTXVN |
Khi đặt câu hỏi này, lãnh đạo một số CLB không ngần ngại nói rằng, họ sợ phải tham dự AFC Champions League (Giải vô địch các CLB châu Á) vừa tốn kém chi phí (tăng thêm chi phí đầu tư cho đủ sức đá ở nhiều mặt trận, tăng tiền thưởng cho cầu thủ…), vừa hao tổn sức lực mà không mang lại hiệu quả gì, bởi đây là sân chơi quá tầm với các đội bóng của Việt Nam. Không khó hiểu, ở mùa giải 2012, Sông Lam Nghệ An vô địch V.League đã quyết định bỏ AFC Champions League để chấp nhận nộp phạt, thay vì tham gia để làm một đội bóng lót đường. Đó là chưa kể, vô địch ở V-League, tiền thưởng thì thấp, trách nhiệm lại cao, nên người xem thường phải chứng kiến hiện tượng nhiều đội bóng cứ đến gần đích lại… thua đột xuất.
Sẽ là vội vàng khi đánh giá về mùa giải V.League 2016, nhưng cũng không ngần ngại để nói rằng, tuy có một vài nhân tố mới xuất hiện, nhưng đây là một mùa giải thất vọng, khi mà bạo lực sân cỏ không được ngăn chặn, khán giả quay lưng với bóng đá, vẫn phảng phất đâu đó những trận đấu “có mùi”; công tác điều hành giải bộc lộ nhiều yếu kém… Không ít người đã đặt câu hỏi: Mùa giải V.League 2016 có tiêu cực không? Không khó để trả lời, khi một loạt các trận đấu sau khi kết thúc đã khiến người hâm mộ nổi giận, báo giới cũng tốn không ít giấy mực. Trước những hoài nghi của dư luận, một số “ông bầu” không hề giấu giếm khi nói rằng, đội bóng của ông ở vào thời điểm quyết định đã chơi không hết mình, vẫn còn những “ông vua sân cỏ” thiếu cái tâm khi cầm cân nẩy mực trận đấu; còn không ít tuyển thủ giữ lối chơi “chém đinh chặt sắt” triệt hạ đối phương... Có nhiều lý do để giải thích cho sự thất bại của bóng đá Việt Nam. Nếu những tiêu cực ở một giải đấu cao nhất (V.League) không được giải quyết một cách triệt để, thì bóng đá Việt Nam sẽ đi về đâu?
Vẫn biết trong bóng đá, ngoài yếu tố chuyên môn, còn có cả yếu tố may rủi. Nhưng những biểu hiện tiêu cực ở V.League trong nhiều mùa giải gần đây đã cho thấy những bất cập về chuyên môn, trong đó có bóng dáng những vấn đề mang tính cốt tử của một nền bóng đá, cả ở khâu xây đắp nền móng, cả khâu tổ chức, điều hành, lĩnh vực đầu tư cho bóng đá học đường, công tác huấn luyện, đào tạo trẻ... Đây chính là nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam khó bước sang một trang mới, khó “gặt hái” được những thành công như mong muốn ở các cấp độ đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ. Đó cũng là lý do, trong nhiều năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam luôn xếp sau Thái Lan, thậm chí cả Malaysia, Singapore và Indonesia.
Chỉ vài sự việc vừa nêu cũng đủ thấy thất vọng, nhưng sẽ thất vọng hơn, nếu như không có sự thay đổi trong cách đầu tư cho bóng đá. Hay nói cách khác, nếu không có sự thay đổi sâu rộng về cách làm thì bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục phải đón nhận sự thất vọng ở các giải đấu lớn. Bởi vậy, cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật nếu muốn bóng đá Việt Nam vươn ra biển lớn.