Chuẩn bị cây giống cho trồng rừng. Ảnh :Bùi Đức Hiếu |
Hàng năm Hòa Bình đưa vào kế hoạch bảo vệ 75.000 ha rừng tự nhiên và rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh khoảng 2.500 ha, chăm sóc rừng trồng gần 13.000 ha, trồng mới từ 7.000 đến 8.000 ha rừng kinh tế. Năm 2018, tỉnh miền núi Hòa Bình trồng được 184.000 cây phân tán, 6.300 ha rừng tập trung, vượt 7,4% kế hoạch; quản lý, bảo tồn 31.700 ha rừng đặc dụng; nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 51%. Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát trển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, thực hiện Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 26/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000, xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, quán triệt chủ trương mỗi mảnh đất, mảnh rừng đều có chủ, đến nay tỉnh Hòa Bình đã giao hơn 48.771 ha cho 713 cộng đồng, đạt 100% so với kế hoạch; giao gần 104.965 ha cho 51.107 hộ gia đình, đạt 100% kế hoạch. Sau khi đươc giao đất, giao rừng, cộng đồng dân cư xóm và các hộ gia đình đã có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng. Hiện tượng phá rừng, khai thác rừng, lâm sản, lấn chiếm chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp đã giảm nhiều. Đặc biệt nhiều khu rừng giao cho cộng đồng quản lý đã phát huy được tính tích cực của văn hoá làng xã từ lâu đời nên được bảo vệ tốt. Công tác trồng rừng được hiệu quả hơn với tỷ lệ thành rừng cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, góp phần xoá đói, giảm nghèo, từng bước góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều hộ dân trong tỉnh đã tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng sản xuất; trong đó cây keo lai khẳng định được giá trị kinh tế với thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, tỉnh đã hình thành nhiều trang trại nông, lâm nghiệp, mô hình kinh tế hộ gia đình có hiệu quả kinh tế cao ở các huyện Kim Bôi, Lạc Thuỷ, Tân Lạc. Đặc biệt, việc trồng rừng kinh tế ở các địa phương đã góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho hàng vạn hộ nông dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nếu như các năm trước đây, người dân hoàn toàn trông chờ vào các dự án trồng rừng của Nhà nước, thì hiện nay nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã tự bỏ vốn hoặc vay vốn ngân hàng để trồng rừng kinh tế. Cả tỉnh có trên 1.000 trang trại rừng quy mô vừa và nhỏ. Những năm gần đây, ngành lâm nghiệp tỉnh đã đầu tư tập trung, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, trong đó chú trọng đầu tư phát triển rừng kinh tế, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo chủ trương của Chính phủ. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học được áp dụng thành công như nhân giống cây bằng dâm hom, tuyển chọn hạt, ghép, nuôi cấy mô. Một số giống keo tai tượng xuất xứ Pongaki và Cardwell; Keo lai BV33, BV75, TB1... được các chuyên gia của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chuyển giao cho bà con trồng rừng đã đem lại năng suất, chất lượng tốt, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Gắn việc trồng rừng kinh tế đi liền với phát triển công nghiệp chế biến gỗ, nâng cao giá trị gia tăng của rừng, tỉnh Hòa Bình khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trồng và chế biến gỗ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 35 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ quy mô vừa và nhỏ, một số cơ sở do tư nhân tự bỏ vốn đầu tư. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, sản xuất ván MDF vào đầu tư trên địa bàn như: Nhà máy MDF Vinafor - Tân An, công xuất thiết kế 54.000 m3 ván MDF và 20.000 m3 ván ghép thanh/năm (hiện đã đầu tư xây dựng xong bắt dầu đi vào hoạt động); Nhà máy MDF Phú Thành, huyện Lạc Thủy, công suất thiết kế 40.000 m3 ván MDF/năm, nhà máy BWG Mai Châu. Tại xóm Đễnh, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, Công ty CP Sơn Thủy - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ có hiệu quả cao. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Công ty cho biết, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất và nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp cho người dân, từ cuối năm 2015, Công ty triển khai chương trình hợp tác với nông dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC - mô hình trồng rừng đem đến nhiều lợi ích từ cải tạo môi trường, môi sinh, tăng thu nhập cho nông dân trồng rừng. Đến nay, diện tích hợp tác trồng rừng của Công ty có khoảng 5.000 ha tại các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy. Hiện, Công ty đã xây dựng được 2 nhà máy chế biến các sản phẩm từ gỗ keo, với các sản phẩm chủ yếu là gỗ ghép thanh, bàn ghế ngoài trời, chủ yếu xuất đi các nước châu Âu; các sản phẩm gỗ dán phim cung cấp cho khách hàng phục vụ đổ trần, cốp pha bê tông... Năm 2018, Công ty đạt doanh thu 450 tỷ đồng, duy trì việc làm ổn định cho 200 lao động với thu nhập bình quân từ 5,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hai năm qua (2017 - 2018), Công ty nộp ngân sách bình quân 20 tỷ đồng/năm, là doanh nghiệp dẫn đầu nộp ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Công ty đang nghiên cứu mở rộng thêm một cơ sở sản xuất chế biến gỗ tại xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, trong lộ trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sản lượng gỗ xây dựng đạt khoảng 110.000 m3/năm, MDF khoảng 54.000 m3/năm, ván sàn và ván ghép thanh khoảng 25.000 m3/năm, sản phẩm mộc gia dụng trên 40.000 m3/năm và 21.000 tấn/năm đối với bột giấy... Tỉnh đang đặt mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ có chiều sâu, hàm lượng công nghệ cao theo hướng công nghiệp hóa với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, sản lượng đủ lớn để xuất khẩu; đồng thời giảm dần việc bán nguyên liệu thô và các sản phẩm sơ chế như nguyên liệu giấy, dăm gỗ xuất khẩu hiện nay, thay bằng các sản phẩm tinh chế giá trị gia tăng lớn.
Nhan Sinh