Ông Nguyễn Tiến Mừng ở xóm Bãi Nai, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Bình là một trong những người tiên phong trồng sachi. Ảnh : khuyennongvn.gov.vn |
Cây sachi về Việt Nam từ cách đây khoảng 5 năm. Tại Hòa Bình, Công ty Cổ phần Inca Việt Nam liên kết với hộ nông dân các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Tân Lạc và thành phố Hòa Bình trồng được 100 ha sachi với 50 ha đang cho thu hoạch. Anh Lý Văn Điểm ở xóm Ngọc Hạ, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) cho biết, tháng 4/2017, gia đình anh bắt tay vào cải tạo, chuyển đổi 1 ha đất vườn và đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng 2.000 cây sachi. Cây sachi hợp đất, hợp khí hậu miền đồi, cây nào cũng vươn cành, đâm chồi, lá mạnh mẽ. Sau hơn nửa năm đã cho thu hoạch lá và bắt đầu bói quả. Đến nay, gia đình anh Điểm đã thu hoạch được 3 đợt lá cây bán cho công ty với giá 10.000 đồng/kg lá tươi và 40.000 đồng/kg lá khô. Vì cây mới trồng, quả chỉ thu bói nên anh thu được 20 kg quả trong đợt thu hoạch đầu tiên, giá 30.000 đồng/kg quả khô và 50.000 đồng/kg hạt. Theo tính toán của nhân dân xóm Bưa lay, xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc, trên diện tích 1,2 ha trồng thử nghiệm sau 1 năm đã cho thu hoạch lần đầu hơn 78 triệu đồng. Năng suất đạt gần 1,3 tấn hạt khô/ha. Đối với loại cây này, trong năm thứ nhất năng suất bình quân đạt 1 tấn – 1,3 tấn/ha quả khô và đạt trên 3 tấn từ năm thứ 3 trở đi. Lợi nhuận trung bình mỗi năm từ 150 – 200 triệu đồng/ha. Chị Lê Thị Vân, Giám đốc Công ty Cổ phần Inca Việt Nam chia sẻ, sau khi xây dựng vùng nguyên liệu, đã đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến sản phẩm từ cây sachi tại huyện Kỳ Sơn. Hiện nay, Công ty Cổ phần Inca đã có các sản phẩm như dầu Omega 3, 6, 9, trà túi lọc giải độc, hạt rang sấy, hạt phủ Sô cô la. Công ty có nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, Công ty không thể nhận đơn đặt hàng vì nguồn nguyên liệu có hạn. "Chúng tôi cần khoảng 500 ha vùng nguyên liệu để có thể đủ một đơn hàng xuất khẩu”. Chị Vân cho biết. Từ kết quả ban đầu trồng cây sachi, tỉnh Hòa Bình có định hướng sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng loại cây trồng này; trong đó chú trọng đưa vào trồng tại các vườn tạp, diện tích cấy lúa và trồng mía kém hiệu qủa. Đồng thời sẽ có các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất như: xây dựng và triển khai dự án Phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trong chương trình xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ vùng sản xuất tập trung, tiêu thụ sản phẩm và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.
Nhan Sinh