Hòa Bình thực hiện hiệu quả giải pháp bảo vệ và phát triển rừng

Tỉnh Hòa Bình xác định phát triển lâm nghiệp bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt, đặc biệt là hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép và cháy rừng có thể xảy ra. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Phát triển tài nguyên rừng bền vững

Huyện Đà Bắc (Hòa Bình) có tổng diện tích đất tự nhiên gần 80 nghìn ha, trong đó có hơn 65 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp được phân bố ở 17 xã, thị trấn và chiếm gần 85% diện tích tự nhiên. Riêng đất có rừng đặc dụng là 4.850 ha, đất rừng phòng hộ 23.960 ha, đất rừng sản xuất hơn 18.720 ha; độ che phủ của rừng là 60,96%.

reung.jpg
Những năm qua, trồng rừng đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đà Bắc. Ảnh: baohoabinh.com.vn

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc, ông Bùi Khắc Vinh cho biết: Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đà Bắc đã quán triệt nội dung Chỉ thị của UBND tỉnh Hòa Bình về công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng bền vững tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện. Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm khuyến khích phát triển đất lâm nghiệp có rừng, tạo thuận lợi cho các chủ thể khai thác tiềm năng, lợi thế để tăng thu nhập, phát triển kinh tế và bảo đảm lợi ích của Nhà nước.

Để nâng cao năng suất, chất lượng rừng, huyện Đà Bắc tập trung phát triển rừng trồng theo hướng thâm canh rừng gỗ lớn phù hợp với từng vùng sinh thái và điều kiện lập địa cụ thể, đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu và chế biến lâm sản. Cùng với đó, thực hiện phát triển lâm nghiệp gắn với phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, phát triển kinh tế rừng toàn diện, bền vững.

Hiện nay, huyện Đà Bắc đã trồng rừng tập trung được hơn 3.000 ha, chủ yếu là rừng sản xuất với các loài cây như keo tai tượng thực sinh, bồ đề, trẩu, mỡ... Mặc dù diện tích không tăng nhưng chất lượng rừng được nâng cao do chất lượng giống dần được kiểm soát. Hiện tượng khai thác rừng non giảm dần, mô hình kinh doanh gỗ lớn được quan tâm phát triển. Huyện Đà Bắc đã bàn giao 120 chiếc bàn dập lửa, 300 chiếc cào và dao cán dài phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Bùi Kỳ Thi, Trưởng xóm Riêng, xã Tú Lý cho biết: Trên địa bàn xã hiện có hơn 500 ha rừng phòng hộ, trên 3.000 ha rừng sản xuất. Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm xã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp cho người dân các xóm; hướng dẫn các chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư ứng dụng bản đồ Locus Map trên điện thoại thông minh để phục vụ việc quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, người dân cũng như các thành viên tổ cộng đồng có thêm kiến thức pháp luật về lâm nghiệp, kinh nghiệm trong việc tuần tra, bảo vệ rừng để kịp thời thông báo tới lực lượng chức năng hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng tới rừng.

Quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả

Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là hơn 237 nghìn ha, rừng tự nhiên gần 150 nghìn ha, rừng trồng 95.685 ha. Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã thẩm định các dự án đầu tư có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố triển khai kịp thời công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Hằng năm, ngành Kiểm lâm tổ chức trên 1.000 cuộc tuyên truyền với gần 300 nghìn lượt người tham gia; xây dựng, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy của tỉnh nhằm chủ động huy động nguồn lực theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống cháy rừng xảy ra; thường xuyên duy tu, sửa chữa hơn 120 km đường băng trắng cản lửa. Các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn, xóm được xây dựng để thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ rừng tại gốc. Lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được củng cố và hoạt động hiệu quả. Toàn tỉnh có 1.257 tổ quần chúng bảo vệ rừng với 7.660 người tham gia.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hữu Tài cho biết: Chính quyền các huyện, thành phố, nhất là cấp xã trên địa bàn tỉnh xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng. Qua đó, việc triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa các lực lượng như Kiểm lâm, Công an, quân sự, đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã với cơ quan chức năng địa phương và giữa tỉnh Hòa Bình với các tỉnh lân cận được thực hiện tốt. Đặc biệt, tình trạng vi phạm pháp luật phá rừng, khai thác rừng trái phép giảm dần; công tác quản lý, bảo vệ rừng được chấn chỉnh, đi vào nền nếp.

Trong 5 năm qua (từ 2019 - 2023), tỉnh Hòa Bình đã phát hiện và xử lý 214 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh không có vụ việc nổi cộm, điểm nóng về phá rừng, cháy rừng, chống người thi hành công vụ, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tình hình an ninh rừng được giữ vững, độ che phủ rừng duy trì ổn định từ 51,5% trở lên.

Ông Nguyễn Hữu Tài nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Hòa Bình tiếp tục đưa phát triển rừng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành để thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng. Ngành Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng; tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng mới và phát triển kinh tế rừng. Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình cần quan tâm gắn bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tăng thu nhập và bảo đảm việc làm, an sinh xã hội cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Vũ Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm