Nhiều gia đình ở huyện Cao Phong có điều kiện mở rộng, chăm sóc vườn cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Hiện tổng diện tích cây có múi của tỉnh đạt gần 10.000 ha, nằm trong top 11 tỉnh sản xuất cây có múi lớn nhất cả nước. Trên 8.000 ha cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc đã và đang thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa làm giàu cho nông dân Hòa Bình. Quyền Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Như Cường cho biết, diện tích và sản lượng đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước, trái cây Việt Nam đã và đang tham gia xuất khẩu với giá trị kim ngạch liên tục tăng cao, vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2013. Trong 5 năm từ 2013 - 2017, giá trị xuất khẩu rau quả tăng trường bình quân 34,6%/năm (607,2 triệu USD/năm). Tổng giá trị xuất khẩu rau quả cả nước năm 2017 đạt 3,5 tỷ USD. Hiện trái cây Việt Nam đã xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Úc... Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, vẫn còn không ít thách thức để phát triển, sản xuất cây ăn quả. Tỉnh Hòa Bình cần đẩy mạnh khảo nghiệm, đánh giá các giống bưởi, cam mới thích ứng trên địa bàn có chất lượng phù hợp yêu cầu xuất khẩu, chế biến. Đồng thời, phổ biến áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tiếp tục phát triển, xây dựng và quản lý tốt thương hiệu, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để sản phẩm bưởi đỏ, cam đặc sản Hòa Bình ngày càng có chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân... Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho hay, tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực trong việc phát triển bảo vệ thương hiệu cây ăn quả có múi cũng như nông sản chủ lực, đặc hữu. Hiện nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây săn quả, cây có múi... Điển hình là sản phầm cam Cao Phong vừa được hãng Hàng không Quốc gia (Viet Nam Airlines) lựa chọn phục vụ hạng thương gia trên các chuyến bay trong và ngoài nước. Nhãn hiệu cam Cao Phong, cam Lạc Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc đã được cấp giấy chứng nhận VietGap. Tuy nhiên, phát triển cây có múi ở Hòa Bình cũng còn không ít những khó khăn. Tỉnh đang nỗ lực trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu nông sản. Hiện Hòa Bình đã có khoảng 1.000 ha cam, quýt, bưởi được cấp chứng nhận VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc trên quả và bao bì nhằm tránh hàng giả, hàng nhái trà trộn làm mất uy tín sản phẩm... Tại các vùng sản xuất, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại cơ sở sản xuất đã ứng dụng công nghệ cao VietGap theo tiêu chuẩn sạch, an toàn; trung bình mỗi ha cây có múi người dân thu nhập từ 400-500 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Ngân, Thương hiệu Cam Ông Bình, huyện Cao Phong chia sẻ, hiện thương hiệu cam Cao Phong cùng nhiều loại cây có múi của tỉnh đang đứng trước nguy cơ bị "nhái hàng". Bởi vậy, việc tuân thủ quy định về tem, nhãn của các cơ quan chức năng là rất cần thiết. Gia đình chị Ngân có 11 ha trồng cam và đã sử dụng quy trình trồng VietGAP được 4 năm. Doanh thu, sản lượng, chất lượng được nâng lên so với trước; đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Anh Hoàng Văn Dự, khách hàng ở Hà Nội nhận xét, các sản phẩm cây ăn trái của Hòa Bình có chất lượng đảm bảo, giá cả được niêm yết công khai. Phần lớn sản phẩm cam, bưởi đều được sản xuất với quy trình sạch VietGap với tem dán nhãn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng đến từng hộ gia sản xuất, ngày thu hái, vùng trồng. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình, diện tích và sản lượng cây có múi trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, từ 1.976 ha năm 2013, đến nay đã là 9.800 ha với năng suất 24 tấn/ha, sản lượng đạt 123.000 tấn. Diện tích cây có múi tập trung chủ yếu ở 9/11 huyện; trong đó cam, quýt tập trung ở 2 huyện Cao Phong, Lạc Thủy và bưởi ở huyện Tân Lạc. Riêng huyện Cao Phong, diện tích cây ăn quả có múi lên trên 3.000 ha, diện tích kinh doanh 1.300 ha, sản lượng đạt 36.000 tấn, tăng 3.000 tấn so với năm 2017.
Thanh Hải