Hòa Bình đẩy nhanh thực hiện chương trình về công tác dân tộc

Quang cảnh buổi khảo sát. Ảnh: Vũ Hà- TTXVN
Quang cảnh buổi khảo sát. Ảnh: Vũ Hà- TTXVN

Ngày 13/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã có buổi khảo sát tại Ban Dân tộc tỉnh về việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về công tác dân tộc và việc thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Hòa Bình đẩy nhanh thực hiện chương trình về công tác dân tộc ảnh 1Quang cảnh buổi khảo sát. Ảnh: Vũ Hà- TTXVN

Theo Ban Dân tộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung đầu tư khác nhau được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc, do đó cần nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, đây là chương trình mang quan điểm đầu tư tổng thể quy mô lớn với nhiều dự án, tiểu dự án thành phần có mối liên quan chung với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 dẫn đến các cơ chế tổ chức thực hiện chậm được ban hành.

Ban Dân tộc tỉnh cũng chỉ rõ khó khăn về nguồn vốn sự nghiệp của chương trình hàng năm phân bổ chi tiết cho từng dự án, nội dung chi khiến tỉnh vướng mắc khi cân đối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; vướng mắc về đối tượng thụ hưởng việc sửa chữa, bảo dưỡng và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề cho Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Tiểu dự án 3, Dự án 5 của Chương trình; việc thực hiện chỉ tiêu về hỗ trợ trực tiếp đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn do các địa phương không còn quỹ đất...

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Thảo kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn đã giao năm 2023 cho các địa phương để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia vào năm 2024; khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền những quy định, hướng dẫn còn chưa phù hợp, rõ ràng, đầy đủ; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; xem xét điều chỉnh lại chỉ tiêu giao cho tỉnh Hòa Bình đến năm 2025 (33 xã và 50 thôn, xóm thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn). Đặc biệt là sớm ban hành tiêu chí đánh giá, xác định thôn, xóm thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và xem xét cho các xã vùng III hoàn thành xây dựng nông thôn mới tiếp tục được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đến hết năm 2025, nhằm động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số phát huy thành tích phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu giảm 33 xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn. Đến hết tháng 8 năm 2023 toàn tỉnh đã giảm 8/59 xã, còn lại 51 xã đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2021-2023, tổng số vốn đầu tư phát triển tỉnh được giao hơn 720 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương hơn 635 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 84 tỷ đồng.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Bích Ngọc đề nghị, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tập trung rà soát các văn bản, tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện các nội dung của chương trình; làm tốt công tác tuyên truyền và đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nguồn; cần xác định việc triển khai thực hiện chương trình là nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và của toàn dân. Ban Dân tộc tỉnh cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm giải ngân vốn đầu tư các dự án đảm bảo tiến độ; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để báo cáo và có giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả thực hiện chương trình.

Đối với các kiến nghị, đề xuất, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình trong thời gian tới.

Vũ Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm