Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng trong thực hiện chính sách dân tộc

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Sáng 12/7, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023.

Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng trong thực hiện chính sách dân tộc ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Chủ trì Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Nông Quốc Tuấn, Y Thông.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, thời gian qua, công tác dân tộc trên phạm vi toàn quốc đã được các cấp, ngành quan tâm, tích cực triển khai. Bên cạnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều chính sách được ban hành, góp phần quan trọng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.

Hệ thống cơ quan thực hiện chính sách dân tộc các cấp tiếp tục được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, sở, ngành của địa phương trong tham mưu chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ thêm những vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội, vấn đề giảm nghèo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong 6 tháng đầu năm 2023, đặc biệt là những tác động của tình hình phát triển kinh tế đến đời sống, sinh kế của đồng bào các dân tộc thiểu số; nêu các đề xuất, kiến nghị đối với Trung ương về giải pháp, chính sách để bảo đảm ổn định cuộc sống của đồng bào.

Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung đánh giá sâu về kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của bộ, ngành, địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023, làm rõ những mặt được, những hạn chế và nguyên nhân, trong đó tập trung vào việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị về công tác dân tộc.

Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng trong thực hiện chính sách dân tộc ảnh 2Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện; được xã hội và đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước quan tâm, theo dõi. Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Các đề án, chính sách, nhiệm vụ trong kế hoạch công tác trong 6 tháng đầu năm đạt mục tiêu đề ra với khối lượng công việc lớn, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến ngày 31/5/2023, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023 là trên 7,8 nghìn tỷ đồng, đạt 18,54%. Một số tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ giải ngân cao so với bình quân của cả nước là: Hà Nội, Hậu Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Quảng Ngãi.

Một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2023 hoàn thành, vượt mục tiêu giao như: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề; học sinh trong độ tuổi học Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông đến trường, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông; thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

Việc triển khai các chính sách dân tộc khác được quan tâm thực hiện, tiêu biểu là chính sách với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015 - 2025’’; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 -2025”...

Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều hoạt động được tập trung triển khai, như: Xây mới, duy tu bảo dưỡng công trình giao thông, trường học… tại các huyện nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình.

Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng trong thực hiện chính sách dân tộc ảnh 3Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Sáu tháng cuối năm 2023, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc; tập trung xây dựng hoàn thành đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn các đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023 như: Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; Báo cáo về tình hình thực hiện việc phân định miền núi, vùng cao; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc...

Liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, căn cứ vai trò, nhiệm vụ, Ủy ban Dân tộc sẽ tích cực giám sát, kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc; tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng tham gia vào quá trình thực hiện chính sách, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định pháp luật trong quản lý, tổ chức thực hiện.

Hiền Hạnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm