Hòa Bình là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, có độ dốc lớn. Những năm gần đây, địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều thiệt hại về người và tài sản do mưa, lũ gây ra. Do đó, ngay từ đầu năm 2021, các cấp, ngành, địa phương đã và đang khẩn trương rà soát những khu vực có nguy cơ cao sạt trượt, lở đất đá; đồng thời tăng cường các giải pháp ứng phó, phòng ngừa thiên tai sát với điều kiện thực tế, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Chúng tôi trở lại khu đồi Lủ Thao thuộc khu tái định cư xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), đây là điểm nguy cơ cao sạt trượt từ nhiều năm trước. Đến cuối năm 2020, vẫn tiếp tục xuất hiện những vết nứt dài hơn 30m, sâu khoảng 5m kéo dài từ lưng chừng xuống dưới chân đồi và có nguy cơ sạt lở xuống khu tái định cư xóm Rổng Vòng. Tâm lý người dân nơi đây cũng rất lo lắng, bất an khi đang chuẩn bị bước vào mùa mưa. Họ mong muốn chính quyền địa phương sớm có những giải pháp xử lý lâu dài để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Trao đổi về thực trạng nguy hiểm của đồi Lủ Thao, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn Lê Xuân Cường cho biết, hiện nay, ngoài những vết sạt trượt ở giữa và chân đồi, phía trên đỉnh đồi còn có nhiều điểm nứt rộng kéo dài gần 5m. Chỉ cần có những đợt mưa to kéo dài, khu đồi Lủ Thao vốn "không có chân" này có thể đổ ập và toàn bộ đất, đá sẽ vùi lấp hoàn toàn nhà dân giáp chân đồi. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân mùa mưa lũ năm 2021, UBND xã Lâm Sơn đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết; tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác và sẵn sàng di dời, chuyển đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã đề nghị UBND huyện Lương Sơn và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện tiếp tục đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở và có phương án xử lý cấp bách chống sạt lở tại khu tái định cư xóm Rổng Vòng.
Được biết, xóm Rổng Vòng nằm dưới chân đồi Lủ Thao, có 145 hộ với trên 600 nhân khẩu. Trong đó, 37 hộ giáp với chân đồi Lủ Thao, gần 20 hộ có nguy cơ cao bị sạt lở đất. Với diện tích trên 20 ha được quy hoạch là đất trồng rừng sản xuất; nền đất yếu, độ phong hóa thảm thực vật cao, dễ bị sạt lở khi mưa lớn kéo dài do có độ dốc lớn, đỉnh đồi cao trên 200m so với khu dân cư Rổng Vòng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn Nguyễn Anh Đức, năm 2015, khu vực đồi Lủ Thao đã xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài tại vị trí độ cao khoảng 50 - 60m so với khu dân cư. Khi đó, huyện Lương Sơn đã xây dựng kè chống sạt lở quanh khu dân cư xóm Rổng Vòng nhưng vẫn không đảm bảo an toàn và nguy cơ sạt lở vẫn ở mức cao. Năm 2017, đợt mưa lũ lịch sử đã diễn ra, khu đồi Lủ Thao bị sạt trượt đất, đá với khối lượng lớn xuống khu tái định cư xóm Rổng Vòng. Đến cuối tháng 10/2020, mưa lũ kéo dài khiến nước và đất trên đồi Lủ Thao chảy tràn xuống chân đồi giáp khu dân cư. Huyện Lương Sơn đã di dời cấp bách 24 hộ dân với 110 nhân khẩu giáp chân đồi Lủ Thao ra khỏi vùng nguy hiểm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn Nguyễn Anh Đức cho biết thêm, đến nay, nhiều cơ quan chức năng và chính quyền huyện Lương Sơn đã kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng, nguy cơ sạt trượt. Các cơ quan chức năng cũng đã xác định vết nứt chân đồi có nguy cơ sạt lở khoảng 60m, cao gần 30m, rộng 25m, với khối lượng đất, đá sạt lở ước tính trên 4 vạn m3. Ngoài ra, còn nhiều vết nứt liên tiếp từ đỉnh mái taluy đang kè lên đỉnh đồi và phía trên đồi.
Ngoài ra, tại nhiều địa phương khác như huyện Tân Lạc, Mai Châu, thành phố Hoà Bình và Đà Bắc... vẫn còn nhiều điểm có nguy cơ cao sạt lở. Thống kê cho thấy, tại 17/17 xã, thị trấn của huyện Đà Bắc có 83/122 thôn, bản còn có các điểm nguy cơ cao về thiên tai với 170 điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét. Toàn huyện có khoảng 850 hộ nằm trong khu vực nguy cơ về thiên tai, trong đó 630 hộ nguy cơ cao sạt trượt đất, đá; 190 hộ có nguy cơ lũ ống, lũ quét. Bên cạnh đó, trên tuyến đường 433 đi các xã vùng cao của huyện Đà Bắc, còn nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao sạt lở ở các xã Nánh Nghê, Mường Chiềng, xóm Rằng (xã Cao Sơn), xóm Riêng (xã Tú Lý)…
Theo kết quả rà soát của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hoà Bình, hiện toàn tỉnh có 234 điểm dân cư có nguy cơ cao do thiên tai, với hơn 2.700 hộ nằm trong vùng ảnh hưởng cần phải có phương án sắp xếp, ổn định. Trong đó, khu vực nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn có 105 điểm với trên 1.500 hộ gồm các huyện: Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Sơn, Cao Phong, Yên Thủy, Lương Sơn, thành phố Hòa Bình và huyện Kim Bôi. Khu vực thường xuyên bị ngập úng có 92 điểm với hơn 400 hộ bị ảnh hưởng như: huyện Tân Lạc, Đà Bắc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Kim Bôi và thành phố Hòa Bình. Tỉnh Hòa Bình còn có 170 hồ xuống cấp, hư hỏng cần được nâng cấp sửa chữa; 168 điểm dân cư bị ảnh hưởng do thiên tai làm ảnh hưởng đến 2.815 hộ dân trong khu vực.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Hòa Bình Hoàng Đình Tráng cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các địa phương chủ động, khẩn trương xây dựng các phương án đảm bảo an toàn cho từng loại công trình; củng cố các tuyến đê, đập, hồ chứa theo kế hoạch và xử lý kịp thời những hư hỏng, ẩn họa, bảo đảm an toàn các điểm xung yếu và phương án cứu nạn. Tỉnh xây dựng phương án chi tiết di dời dân khi có thiên tai xảy ra và bố trí các điểm ổn định dân cư khi sơ tán; khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát khu vực nguy cơ cao để xây dựng phương án, kịch bản ứng phó. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền cảnh báo cho người dân tự phòng tránh thiên tai; nâng cao ý thức chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn; kiên quyết không để hộ dân nào sống trong vùng nguy hiểm ven suối, sườn đồi, núi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Đặc biệt, tỉnh khuyến cáo người dân tuyệt đối không đi qua ngầm giao thông khi có mưa, lũ lớn chảy siết.
Vũ Hà