Hỗ trợ cựu chiến binh vươn lên làm kinh tế ở Than Uyên

Hỗ trợ cựu chiến binh vươn lên làm kinh tế ở Than Uyên
Mô hình chăn nuôi lợn của cựu chiến binh Khuất Đình Sâm ở xã Mường Than, huyện Than Uyên mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Mô hình chăn nuôi lợn của cựu chiến binh Khuất Đình Sâm ở xã Mường Than, huyện Than Uyên mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Hiện nay, Hội Cựu chiến binh huyện Than Uyên có 13 cơ sở Hội với tổng số 1.937 hội viên tham gia sinh hoạt tại 145 chi hội thôn, bản, khu phố. Cùng với xây dựng tổ chức Hội trong sạch vững mạnh, Hội Cựu chiến binh huyện đã động viên, khuyến khích hội viên vươn lên làm kinh tế, giúp nhau thoát nghèo và làm giàu chính đáng. 

Hội Cựu chiến binh huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn giúp đỡ hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập; chủ động đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, thường xuyên tăng cường tập huấn kỹ thuật, huy động vốn trong hội viên cựu chiến binh, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, khuyến khích các loại hình kinh tế theo hướng doanh nghiệp, Hợp tác xã cựu chiến binh; chú trọng xây dựng mô hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất cây, con giống, trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế…; tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Nhà nước gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Ông Hoàng Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Than Uyên cho biết: “Nhằm động viên cựu chiến binh nêu cao tinh thần tự lực, tự cường và cùng giúp nhau làm kinh tế, tham gia các chương trình phát triển kinh tế địa phương, Hội chỉ đạo các cơ sở Hội thường xuyên sâu sát cơ sở, tìm hiểu nguyện vọng của các hội viên, từ đó động viên, hỗ trợ họ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”. 

Theo ông Hoàng Thanh Sơn, Hội Cựu chiến binh huyện Than Uyên đã chỉ đạo 100% cơ sở Hội xây dựng và duy trì được quỹ Hội với tổng số 780 triệu đồng. Nguồn vốn từ quỹ Hội được các chi hội sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, giúp hội viên nghèo vay với lãi suất thấp, có nơi không lấy lãi. Từ việc tiếp cận nguồn vốn, hội viên nghèo mua con giống, đầu tư chuồng trại phát triển kinh tế gia đình. Cùng với xây dựng quỹ Hội, Hội vận động cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh và người dân mạnh dạn vay các nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế.
Giúp đỡ hội viên cựu chiến binh trồng chè đúng lịch thời vụ. Ảnh: Việt Hoàng -TTXVN
Giúp đỡ hội viên cựu chiến binh trồng chè đúng lịch thời vụ.
Ảnh: Việt Hoàng -TTXVN

Cựu chiến binh Phùng Hải Đăng ở thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên là gương điển hình sản xuất - kinh doanh giỏi. Được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp Hội, cựu chiến binh Phùng Hải Đăng đã đầu tư dây chuyền máy móc để sản xuất bún, phở. Từ mô hình này, mỗi ngày ông cung cấp hơn 3 tạ bún, phở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các quán ăn, nhà hàng và người dân trên địa bàn. Cựu chiến binh Phùng Hải Đăng được Hội Nông dân tỉnh Lai Châu công nhận hộ gia đình sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2016; là một trong những hộ gia đình điển hình tiên tiến của huyện Than Uyên. Cựu chiến binh Phùng Hải Đăng cho hay: “Với mô hình này, một năm gia đình tôi thu nhập trên 400 triệu đồng. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, tôi còn tích cực động viên, giúp đỡ nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh và bà con trên địa bàn tích cực tăng gia sản xuất”.

Hội Cựu chiến binh xã Mường Cang, huyện Than Uyên là đơn vị điển hình trong công tác giúp các hội viên vươn lên làm kinh tế. Nhiều năm qua, Hội Cựu chiến binh xã Mường Cang đã vận động hội viên tham gia giúp nhau phát triển kinh tế như: Trồng chè, kinh doanh dịch vụ... Hội đã huy động vốn nội bộ trong các chi hội cho hội viên khó khăn vay không lãi, hoặc lãi suất thấp với tổng số tiền 200 triệu đồng. Số vốn khai thác từ các nguồn đã giúp giải quyết việc làm mới, tạo điều kiện hộ nghèo tự vươn lên.

Cựu chiến binh Khuất Đình Sâm, ở xã Mường Than, chia sẻ: “Tôi suy nghĩ muốn thoát khỏi nghèo cần tự lực vươn lên, phát triển kinh tế bằng việc đầu tư trang trại chăn nuôi. Được vay vốn và tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu tài liệu, kiến thức chăn nuôi từ hộ khác, tôi đầu tư mô hình nuôi lợn. Nhờ biết cách chăm sóc, phòng chống tốt dịch bệnh nên đến nay trong chuồng nuôi luôn duy trì khoảng 50 lợn thịt, 6 con lợn nái, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng”.

Từ năm 2012 đến nay, Hội Cựu chiến binh huyện Than Uyên đã đứng ra tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện quản lý trên 49,3 tỷ đồng với 50 tổ, 1.836 hộ vay vốn, trong đó có 560 lượt cựu chiến binh được vay vốn trên 16,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, cán bộ, hội viên khai thác và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và dịch vụ thương mại. 

Với sự cố gắng thoát nghèo và làm giàu chính đáng, đời sống hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Than Uyên được cải thiện rõ rệt. Đến nay, hội viên của Hội có 13 trang trại vừa và nhỏ, 7 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã thu hút hàng trăm lao động con em cựu chiến binh tham gia; có 27 lượt hội viên Hội Cựu chiến binh giỏi cấp huyện, 152 lượt hội viên sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở được công nhận. 
Việt Hoàng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm