Hướng dẫn người dân kĩ thuật, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Dự án được thực hiện từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2018, hướng tới mục tiêu cải thiện mức sống và sinh kế khu vực nông thôn tỉnh Sơn La. Dự án đã hỗ trợ 30 hộ dân tại bản Tây Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu và bản Thẳm, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La (Sơn La) cải thiện thu nhập thông qua sử dụng các nguồn lực nông nghiệp địa phương để thực hiện canh tác gia tăng giá trị và cải thiện sản phẩm nông nghiệp chuyên biệt cùng hệ thống tiếp thị. Theo ông Đặng Văn Công, Điều phối viên dự án: Sau khi tham gia dự án, người dân đã hiểu về sự cần thiết của cải thiện sinh kế nông thôn, áp dụng sản xuất có hệ thống tưới tiêu và canh tác trong mùa khô. Người dân đã biết tính đến nhu cầu của người tiêu dùng khi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp gia tăng giá trị; đồng thời, cải thiện hệ thống bán hàng và tiếp thị sản phẩm nông nghiệp được chế biến…
Hội thảo Tổng kết dự án thu hút đông sự tham dự của các chuyên gia và người dân trên đia bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Ông Lê Xuân Thắng, Bí thư Chi bộ bản Tây Hưng cho biết: Toàn bản có 12 hộ dân tham gia dự án. Trước đây, việc sản xuất và kinh doanh của người dân trong bản manh mún, nhỏ lẻ và phân tán. Từ khi triển khai dự án, người dân đã được tập huấn, xây dựng mô hình sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm... nhờ đó, tạo được kênh tiêu thụ sản phẩm thông qua cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm tại nhà văn hóa bản. Thời gian tới, các hộ tham gia dự án sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ những hộ khác trong bản, xã thực hiện mô hình này.
Tại bản Thẳm, vùng sản xuất do tổ hợp tác gồm các hộ dân tham gia dự án đã được cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn. Đầu ra các sản phẩm ổn định, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Ông Lèo Văn Long, Trưởng bản Thẳm cho biết: Hiện người dân trong bản đã làm quen, thực hiện tốt việc sử dụng phân ủ hữu cơ, canh tác có bảo vệ (nhà lưới, che phủ, nhà màng), giảm lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác. Nhờ phát triển sản xuất và kinh doanh đúng hướng, 100% hộ dân trong bản đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập trung bình khoảng 120 triệu đồng/năm.
Diệp Anh