Hồ T’Nưng đẹp hút hồn du khách. Ảnh: Internet |
Mọi người quen gọi hồ T’Nưng là Biển Hồ vì diện tích của hồ rộng tới 230ha nằm bao quanh những rừng thông và núi. Vào mùa mưa, mặt nước có thể lan rộng ra trên 400ha, nên việc khám phá hồ này là một điều thú vị. Để đi hết hồ T’Nưng là một kỳ công và phải mất không ít thời gian. Trong hành trình du lịch từ Pleiku lên tỉnh Kon Tum, du khách không thể không dừng lại ở hồ T’Nưng, bởi đây là một thắng cảnh lộng lẫy và càng quyến rũ hơn khi bạn đến nơi này vào buổi sáng, khi mặt trời còn chưa lên cao, trong cái lạnh của cao nguyên, mặt hồ dờn dợn màu bạc của ánh nắng ban mai phản chiếu...
Con đường vào hồ T’Nưng rất lãng mạn. Hai bên cung đường uốn lượn quanh co là những rừng thông xanh mướt. Sáng sớm, mặt trời đỏ hỏn thừng thững xuất hiện sau rặng cây xa, bóng nắng nhuốm đỏ cả mặt hồ. Trời sáng rõ, khi ấy cảnh vật ở hồ T’Nưng hiện lên trong tầm mắt du khách là một màu xanh ngút ngàn: xanh trời, xanh mây, xanh cây, xanh nước. Quang cảnh trên hồ càng đẹp khi chiều về. Nhất là những đêm trăng sáng soi bóng xuống mặt hồ. Gió thổi liu riu, tán cây xào xạc. Xa xa là tiếng chim Trắc La bay lượn kêu bạn tình... Giữa khung cảnh ấy, chèo thuyền ngắm trăng thưởng ngoạn thì tuyệt vời biết bao.
Hồ T’Nưng còn cuốn hút du khách bởi truyền thuyết về sự hình thành của nó. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, tại đây có một làng tên T’Nưng, con gái và con trai trong làng đều xinh đẹp, sống chung với nhau rất vui vẻ. Thế rồi một ngày nọ trời đất chuyển mình, mây mưa dữ dội. Từ dưới lòng đất ngọn lửa phun lên ào ạt, trong phút chốc ngọn lửa ập xuống xóa tan ngôi làng. Sau khi lửa tắt, ngôi làng chỉ còn là một hố sâu thăm thẳm. Những người dân làng T’Nưng còn sống đã đứng trên hố sâu mà khóc, nước mắt họ đã chảy đầy hố sâu ấy thành hồ T’Nưng.
Để khám phá hết vẻ đẹp của hồ T’Nưng thì du khách có thể lên thuyền độc mộc (thuyền được làm từ cây cổ thụ được đục rỗng ở giữa) để lướt trên mặt hồ. Chèo thuyền len lách trong hồ, du khách sẽ khám phá sự kỳ vĩ của núi rừng và bắt gặp nhiều loài chim trời như: sin sịt, bói cá, le le, ngỗng trời,… bay lượn trên đầu. Chưa hết, chỉ cần một chiếc cần câu mang theo, thả xuống hồ là có thể dễ dàng câu những con cá. Ở hồ có cá chép, cá trôi, cá đa, cá trắm,… và không hiếm những con rùa, con ba ba sống ở đây cả trăm năm thỉnh thoảng trồi lên mặt hồ tò mò ngắm nhìn du khách.
Sống xung quanh hồ là những buôn làng của người dân tộc Ba Na, Gia Rai,… Những buôn làng đậm chất Tây Nguyên ấy sống dựa vào nguồn lợi của hồ T’Nưng và rất hiếu khách. Nếu thích, bạn có thể ở lại trong đêm, đốt lửa trại và thưởng thức chính những con cá mà bạn đánh bắt được từ hồ T’Nưng trên lửa than cùng với rượu cần. Ngoài ra, để có tầm quan sát rộng thì du khách có thể đặt chân lên căn nhà được xây dựng kiên cố dành cho khách tham quan. Tại đây, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, để nhìn thấy những con thuyền đang ở giữa lòng hồ và cả những bầy chim trời nhốn nháo bay qua.
Hồ T’Nưng hiện vẫn còn giữ được nét hoang sơ của núi rừng và dễ thu phục lòng người bởi vẻ đẹp hài hòa của rừng, núi và mênh mông sóng nước. Đến đây để nghe chim Kơ Tia hót, đến đây để nghe sóng vỗ và cả những phút thư giãn tuyệt vời cùng thiên nhiên kỳ vĩ.