Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là việc chuyển đổi từ diện tích đất trồng cây hàng năm sang trồng các loại cây ăn trái lâu năm đã được nhiều địa phương trong tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện tốt, nên diện tích cây ăn trái của tỉnh không ngừng tăng lên.
Anh Trần Văn Tư, chủ vườn xoài 5.000 m2 tại xã Bình Phước Xuân (Chợ Mới, An Giang) bao trái để đáp yêu cầu của nhà nhập khẩu. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN |
Đến nay, tỉnh đã có 13.970 ha cây ăn trái, tăng trên 8,4% diện tích so cùng kỳ năm trước (tương đương tăng 1.088 ha); trong đó, diện tích trồng xoài có 9.603 ha, chủ yếu là cây xoài Đài Loan và xoài Cát Hoà Lộc đang cho thu hoạch, giá trị kinh tế cao và các loại cây như chuối cấy mô, và các loại cây ăn trái có múi như cam, chanh, quýt, bưởi…
Diện tích cây ăn trái của nông dân tỉnh An Giang năm 2018 mặc dù chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết luôn diễn biến phức tạp đã phần nào tác động đến kết quả sản xuất, song nhờ các nhà vườn tích cực chăm sóc, chuyển đổi giống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã góp phần làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cây ăn trái.
Tổng sản lượng thu hoạch cây ăn trái trong 9 tháng năm 2018 của tỉnh An Giang ước đạt gần 156.300 tấn, tăng 10,7% (tăng gần 15.200 tấn) so cùng kỳ năm trước; trong đó, tăng nhiều nhất là xoài với sản lượng đạt 94.500 tấn, tăng 11,4% (tăng 9.700 tấn), chủ yếu là các giống xoài chất lượng cao, có giá trị kinh tế tốt như xoài Đài Loan, xoài Cát Hòa Lộc. Sản lượng chuối cấy mô đạt trên 22.700 tấn, tăng 2.400 tấn. Nhóm cây có múi như cam, quýt, chanh, bưởi đạt sản lượng gần 2.300 tấn, tăng trên 684 tấn...
Nhiều nông dân trong tỉnh An Giang đã ứng dụng kỹ thuật trong quá trình thực hiện trồng cây ăn trái như xử lý cho ra hoa trái vụ hoặc gieo trồng các giống cây chất lượng tốt. Từ đó, nâng giá bán sản phẩm tăng từ 2 đến 3 lần so với thời điểm thu hoạch chính vụ và sản xuất các giống cây trồng truyền thống. Chẳng hạn, với trái xoài cát Hòa Lộc có giá bán tại vườn phổ biến là 55.000 đồng/kg (có thời điểm giá trên 70.000 đồng/kg); cây ổi không hạt giá bán phổ biến từ 13.000 đồng đến 18.000 đồng/kg; cây xoài Đài Loan thu trái bán được từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg (có thời điểm lên đến từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng/kg); nhãn có giá bán từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, giá quýt trái từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg,…
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay là nông dân còn sản xuất tự phát và quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chạy theo phong trào nên chất lượng và mẫu mã chưa đáp ứng theo nhu cầu thị trường nên các loại trái cây được bao tiêu sản phẩm còn hạn chế. Do đó, đến mùa thu hoạch đại trà, thường bị thương lái thu mua ép giá nên giá bán các loại trái cây không ổn định, làm ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Vương Thoại Trung
(TTXVN)