Thực hiện hiệu quả chính sách y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo, Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã giúp cho hàng nghìn bệnh nhân được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, tiền ăn, việc đi lại trong thời gian điều trị, góp phần giảm chi tiêu cho các hộ gia đình. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe.
Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, với hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân gặp nhiều khó khăn cùng với nhiều hủ tục lạc hậu. Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số khi bị ốm thường không đến Trạm y tế hay Bệnh viện để khám chữa bệnh, mà mời thầy về nhà cúng. Điều này gây khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của họ.
Từ khi thực hiện các chính sách y tế của Đảng và Nhà nước, huyện Sìn Hồ đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Lai Châu về đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại cho mạng lưới y tế cơ sở; thực hiện hỗ trợ khám chữa bệnh cho các đối tượng khó khăn… Đặc biệt, chính sách hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp bà con mạnh dạn đến Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện để khám chữa bệnh.
Chị Giàng Thị Cay (22 tuổi, dân tộc Mông, ở xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ) có triệu chứng đau bụng, được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện để khám bệnh. Kết quả cho thấy, chị mang thai ngoài tử cung và phải tiến hành phẫu thuật. Chị đã điều trị được 8 ngày. Trong thời gian tại Trung tâm, chị không mất một khoản chi phí nào.
"Gia đình tôi có 4 người, điều kiện kinh tế còn rất khó khăn. Nếu không được hưởng các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, tôi không đến bệnh viện để điều trị vì không có tiền chi trả viện phí. Nhờ các chính sách y tế, hiện nay, tôi và người dân trong bản khi bị ốm đều đến bệnh viện để khám, chữa bệnh", chị Giàng Thị Cay chia sẻ.
Giống như chị Cay, anh Hang Sình Dì ở xã Sà Dề Phìn bị ngã và chấn thương vùng mặt, được đưa đến Trung tâm Y tế điều trị gần 1 tuần nay. Sau thời gian điều trị, sức khỏe của anh Dì dần hồi phục, khoảng 1 - 2 ngày tới, anh sẽ được xuất viện. Anh Dì tâm sự: "Trong thời gian nằm viện, tôi được các bác sỹ thăm khám thường xuyên, tận tâm hỏi thăm tình hình sức khỏe. Ở đây, tôi còn được hỗ trợ ăn uống hàng ngày bởi điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Nếu phải trả tiền viện phí và ăn uống sinh hoạt hàng ngày, tôi không dám đến bệnh viện điều trị mà chỉ ở nhà để vết thương tự khỏi".
Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các chính sách y tế, Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ còn thành lập Tổ công tác xã hội để kêu gọi các nhà hảo tâm, đơn vị trên địa bàn ủng hộ tiền mặt, gạo, quần áo để giúp đỡ người nhà bệnh nhân nhằm san sẻ khó khăn, gánh nặng về kinh tế đối với đồng bào, giúp họ yên tâm chăm sóc người bệnh. Anh Vàng A Súa ở xã Sà Dề Phìn đến Trung tâm Y tế để chăm sóc vợ phẫu thuật. Không chỉ vợ anh được hỗ trợ các bữa ăn hàng ngày mà anh cũng được Trung tâm cấp cho 5kg gạo để duy trì cuộc sống trong những ngày ở viện.
Hiện nay, các đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số khi nằm điều trị tại Trung tâm Y tế tuyến huyện được hỗ trợ tiền ăn với mức 3% mức lương tối thiểu/người bệnh/ngày, tương đương với mỗi một suất ăn có giá hơn 20.000 đồng. Bệnh nhân khi sử dụng phương tiện của cơ sở y tế sẽ được thanh toán theo mức 0,2 lít xăng/km. Trường hợp không sử dụng phương tiện vận chuyển của cơ sở y tế chỉ được thanh toán một chiều đi theo mức bằng 0,2 lít xăng/km. Các đối tượng trên mà không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hỗ trợ 50% chi phí khám, chữa bệnh từ trên 1 triệu đồng, nhưng không quá 10 triệu đồng/người/năm.
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt các chương trình, chính sách y tế của Đảng, Nhà nước và tỉnh Lai Châu mà đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ từng bước nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe bản thân, dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như cúng bái để chữa bệnh hoặc có bệnh nặng mới tìm đến các cơ sở y tế điều trị. Từ đó, nâng cao tính tự giác của đồng bào trong việc đến khám, chữa bệnh khi bị ốm đau và người dân được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ khám chữa bệnh, góp phần cải thiện sức khỏe, thể lực để tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Theo Bác sỹ chuyên khoa I, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ Hoàng Việt Bắc, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân khi đến khám, điều trị, thời gian qua, Trung tâm Y tế đã xây dựng kế hoạch, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, y bác sỹ trong toàn huyện về thực hiện các chính sách y tế; tuyên truyền về các chính sách, đối tượng thụ hưởng, quyền lợi khi đến khám, điều trị bệnh để người dân nắm bắt được thông tin và chủ động đến bệnh viện khi bị ốm đau; đồng thời, giám sát nghiêm việc thực hiện, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án. Qua đó, số lượt bệnh nhân đến khám, điều trị tại Trung tâm ngày một tăng. Năm 2019, Trung tâm đã khám, điều trị cho hơn 250.000 lượt bệnh nhân, trong đó điều trị nội trú 6.500 lượt người. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ đã hỗ trợ tiền ăn cho hơn 3.150 lượt bệnh nhân với số tiền trên 980 triệu đồng; hỗ trợ tiền đi lại cho trên 2.700 lượt bệnh nhân với số tiền gần 285 triệu đồng.
"Bên cạnh những hiệu quả tích cực, việc triển khai các chính sách còn gặp hạn chế như: chế độ tiền ăn của bệnh nhân vẫn còn thấp. Đặc biệt, đối với người dân tộc Mảng ở xa trung tâm huyện, việc đến khám bệnh ở tuyến huyện gặp nhiều khó khăn mà theo quy định khi nằm điều trị từ tuyến huyện trở lên mới được hỗ trợ tiền ăn, đi lạ. Vì vậy, Trung tâm mong cấp trên sớm xem xét và có sự điều chỉnh trong chi trả chế độ y tế đối với đồng bào dân tộc Mảng, để người dân thuận lợi khi đến khám chữa bệnh", Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ cho biết thêm.
Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ tiếp tục thực hiện đồng bộ, lồng ghép các chính sách, dự án ưu tiên của Trung ương, tỉnh trong lĩnh vực y tế; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y, bác sỹ; xây dựng tác phong, giờ giấc làm việc, thái độ ứng xử thân thiện đối với bệnh nhân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách y tế đến với người dân nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Trung tâm tiếp tục duy trì tổ công tác xã hội, để tập trung giúp đỡ các gia đình khó khăn về kinh tế, thể hiện trách nhiệm của người thầy thuốc đối với cộng đồng.
Đinh Thùy