Hàng nghìn tấn đất đá bị sạt lở rơi xuống đường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân. Ảnh: Công Tuyên – TTXVN |
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài hơn mười ngày nay (1-14/6), trong ngày 12 và 13/6 tại km 26 + 500 tỉnh lộ 129 hơn 5.000 m3 đất, đá sạt lở rơi xuống đường làm tuyến đường huyết mạch từ Sìn Hồ đi thành phố Lai Châu không thể lưu thông. Theo anh Đặng Việt Cường, cán bộ quản lý công tác đảm bảo giao thông tỉnh lộ 129 (Công ty cổ phần xây dựng 389, thành phố Lai Châu), ảnh hưởng của đợt sạt lở này khiến hệ thống rãnh dọc thoát nước, hộ lan và mặt đường bị hư hỏng nặng. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, việc khắc phục sự cố sạt lở sẽ gặp nhiều khó khăn.
Hàng nghìn tấn đất đá bị sạt lở rơi xuống đường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân. Ảnh: Công Tuyên - TTXVN |
Để duy trì giao thông, Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức phân lại luồng xe. Các phương tiện từ thành phố Lai Châu lên thị trấn Sìn Hồ và chiều ngược lại sẽ đi theo đường 129B Tà Ghênh – Nậm Pậy, quãng đường xa hơn 10km nhưng đây là phương án tối ưu. Tuy nhiên, điều này cũng gây không ít phiền toái cho người tham gia giao thông. Theo anh Nguyễn Gia Hoàn, lái xe khách tuyến Lai Châu - Sìn Hồ, đường 129B rất xấu, quãng đường đi xa hơn, nhưng không được tăng giá vé, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập trong từng chuyến xe.
Hàng nghìn tấn đất đá bị sạt lở rơi xuống đường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân. Ảnh: Công Tuyên - TTXVN |
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Sìn Hồ, từ đầu năm đến ngày 14/6, nhiều tuyến đường liên xã, liên bản của huyện Sìn Hồ đã bị sạt lở nghiêm trọng; nhiều đợt mưa lớn, mưa đá kèm theo lốc gây tốc mái gần 50 ngôi nhà, nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hỏng; hàng chục héc ta hoa màu và ao cá của người dân bị thiệt hại nặng. Hàng chục hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao nằm trong kế hoạch di dời đến nơi an toàn vẫn chưa thực hiện được do thiếu nguồn vốn và khó bố trí mặt bằng. Điều này đang gây lo lắng cho các hộ dân. Bà Chẻo Mí Chày, bản Sìn Hồ Dao, thị trấn Sìn Hồ chia sẻ: Nhà tôi ở gần khu vực có nguy cơ sạt lở rất nguy hiểm. Vì nghèo nên nhà tôi vẫn phải ở đây, mỗi lần có mưa là cả gia đình lo lắng, phải ở nhờ nhà khác. Tôi mong Nhà nước xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho gia đình một chỗ ở mới để bảo đảm tính mạng và tài sản.
|
|
Hàng nghìn tấn đất đá bị sạt lở rơi xuống đường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân. Ảnh: Công Tuyên - TTXVN |
Để khắc phục thiệt hại và chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, ông Nguyễn Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: UBND huyện đã thành lập đoàn công tác liên ngành; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã đến những điểm có nguy cơ sạt lở cao, rà soát những điểm xung yếu để tuyên truyền cho nhân dân cách ứng phó khi lũ lụt, lũ quét xảy ra. Huyện cũng rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở, các hộ dân ở các điểm này để sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của huyện di dời đến các điểm an toàn. Hiện tại, huyện đã rà soát và di chuyển được 7 hộ ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao; đồng thời duy trì trực Ban chỉ đạo, nắm bắt tình hình diễn biến bất thường để thông báo kịp thời cho Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các xã tuyên truyền cho nhân dân khi có thời tiết bất thường xảy ra. Từ đầu năm đến ngày 14/6, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện Sìn Hồ là trên 2 tỷ đồng. Huyện Sìn Hồ đã khẩn trương thành lập đoàn công tác liên ngành xuống cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục hậu quả. Những nhà bị tốc mái, huyện Sìn Hồ đã hỗ trợ mức từ 3 đến 15 triệu đồng. UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ công tác giúp nhân dân bị thiệt hại và di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao.
Công Tuyên