Hiệu quả từ các chương trình, chính sách dân tộc tại Sơn La

Các em học sinh điểm trường Củ Sát, Trường tiểu học Mường Khiêng 1 học trong phòng học mới khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Các em học sinh điểm trường Củ Sát, Trường tiểu học Mường Khiêng 1 học trong phòng học mới khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai trên địa bàn Sơn La đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Hiệu quả từ các chương trình, chính sách dân tộc tại Sơn La ảnh 1Các em học sinh điểm trường Củ Sát, Trường tiểu học Mường Khiêng 1 học trong phòng học mới khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Bà Lò Thị Ván ở xã Nong Lay, huyện Thuận Châu bộc bạch, trước kia đồng bào dân tộc La Ha ở đây rất khó khăn, vất vả. Được Đảng, Chính phủ quan tâm chăm lo, hỗ trợ, đời sống của người dân đã thay đổi tích cực, có của ăn, của để.

Thuận Châu là huyện vùng cao, có 6 dân tộc cùng sinh sống gồm: Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú, Kháng, La Ha. Việc triển khai chiến lược công tác dân tộc ở Thuận Châu thời gian qua đã góp phần tích cực làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số; trong đó, điển hình là Dự án 2 – Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2013-2020, thực hiện Chương trình này, huyện Thuận Châu đã đầu tư, khởi công mới, sửa chữa và nâng cấp 164 công trình cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí giải ngân, thanh quyết toán 196.504 triệu đồng. Chương trình đã hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số về phân bón, giống ngô; xây dựng các mô hình như nuôi cá, nuôi bò sinh sản, nuôi ong, nuôi lợn…

Cũng từ các chính sách của Trung ương và địa phương, ở Thuận Châu, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt; mạng lưới cơ sở vật chất y tế được quan tâm đầu tư. Công tác quản lý, cấp phát, thu đổi thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo được thực hiện thường xuyên, đảm bảo theo quy định. Hệ thống trường, lớp học cơ bản được đầu tư kiên cố hóa, trang thiết bị giảng dạy và học tập được cải thiện. Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách về giảm nghèo được huyện Thuận Châu triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện Thuận Châu còn 28,5%; giảm 20,4% so với năm 2015…

Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Thuận Châu Mùa A Tủa cho biết, việc thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng ổn định, cải thiện, nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào các dân tộc thiểu số đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Là địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới, Sơn La đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc, miền núi như: Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; Quyết định 102/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg; Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025 theo Quyết định số 498/QĐ-TTg…

Ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La thông tin, nhờ các chương trình, chính sách dân tộc, công tác xóa đói giảm nghèo ở Sơn La đã có những chuyển biến rõ nét, đời sống đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện; sự nghiệp giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo; hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ngày càng được đầu tư, hoàn thiện.

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm từ 34,45% năm 2016 xuống còn 18,38% năm 2020; trên 97% xã hoàn thành đường ô tô đến trung tâm xã. 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế và 87,7% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ tảo hôn giảm từ 22,5% năm 2016 xuống còn 18,5% năm 2020. 97,5% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia... Đến hết năm 2020, tỉnh có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Thời gian tới, Sơn La xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Tỉnh sẽ triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Trung ương và địa phương đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…

Nguyễn Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm