Quang cảnh hội nghị. Ảnh: baodaknong.org.vn |
Sau kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức khác nhau đã tập trung hỗ trợ các bon, buôn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vận động tuyên truyền nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; giúp đỡ bon, buôn xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ việc kết nghĩa, giúp đỡ, các bon, buôn có diện mạo mới. Đến nay, 100% bon, buôn được kết nghĩa đã có từ 1-2 km đường được cứng hóa; được sử dụng điện lưới quốc gia; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; có điểm trường hoặc lớp mẫu giáo phục vụ nhu cầu học tập của con em đồng bào; người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt.
Trong phát triển kinh tế, nhờ sự đầu tư của nhà nước, sự hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa, đồng bào đã thay đổi dần tập quán canh tác chuyển từ du canh, du cư, canh tác “chọc, tỉa” sang sản xuất tập trung, hàng hóa. Tại các bon, buôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, trang trại tổng hợp hiệu quả. Tại các địa phương xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi. Nhà tranh tre, dột nát đã cơ bản được xóa bỏ, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện.
Đồng chí Lê Kim Huy, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy chia sẻ một số kinh nghiệm của đơn vị trong thực hiện các hoạt động kết nghĩa, củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Ảnh: baodaknong.org.vn |
Cùng với đó, hệ thống chính trị cơ sở tại buôn, bon tiếp tục được kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu quả, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được củng cố, giữ vững. Trong quá trình thực hiện phong trào có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện rất tốt trách nhiệm với đơn vị kết nghĩa như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, Công ty cà phê Đắk Lập…
Ông Cao Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đánh giá: Công tác kết nghĩa bon, buôn thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, các cấp, đơn vị, doanh nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nói riêng. Qua công tác kết nghĩa không những góp phần nắm bắt kịp thời về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xóa "điểm nóng", ngăn chặn và đẩy lùi được âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, ngăn chặn tình trạng lôi kéo người vượt biên trái phép; hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Thông qua công tác kết nghĩa, tình đoàn kết, mối quan hệ giữa cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với đồng bào tại các bon, buôn kết nghĩa ngày càng mật thiết. Công tác kết nghĩa đã góp phần xây dựng, củng cố tinh thần đoàn kết dân tộc, là cầu nối hiệu quả giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân.
Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để công tác kết nghĩa với các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đi vào chiều sâu. Theo đó, công tác kết nghĩa cần được đổi mới nội dung, chương trình kết nghĩa cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, trọng tâm là gắn công tác kết nghĩa với chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tập trung huy động các nguồn lực, ưu tiên các chương trình, dự án tại các bon, buôn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xóa các bon, buôn trọng điểm về an ninh, trật tự; tiếp tục xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở bon, buôn để hoạt động hiệu lực hiệu quả…
Tỉnh Đắk Nông có 3 dân tộc thiểu số tại chỗ là: M’Nông, Ê Đê, Mạ với 13.919 hộ, hơn 66.500 nhân khẩu(chiếm 10,29% dân số của tỉnh) đang sinh sống tại 149 bon, buôn.
Anh Dũng