Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý ở xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1957, sau nhiều lần chuyển đổi hoạt động, mặc dù đã có những thay đổi tích cực nhưng hợp tác xã Nhân Lý vẫn gặp nhiều khó khăn. Đến cuối năm 2014 , hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý chính thức chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật hợp tác xã năm 2012.
Mô hình hợp tác xã kiểu mới giúp người dân ở Vĩnh Phúc tiếp cận với các mô hình sản xuất an toàn theo hướng Vietgap . Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN |
Hiện Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý có quy mô 3 thôn, 6 tổ sản xuất với 615 hộ thu hút trên 2.600 nông dân tham gia hợp tác xã. Từ khi chuyển đổi cơ chế hoạt động, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý luôn nỗ lực, phát huy vai trò quản lý, điều hành, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của xã viên, tạo điều kiện để kinh tế tập thể địa phương phát triển. Theo chân bà Bà Lê Thị Hương, Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp Nhân Lý, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những thửa rộng mà trước kia người dân trồng lúa 2 vụ theo thói quen lâu đời giờ đã xanh ngát một màu của các loại rau, của đỗ, ngô và lốm đốm đỏ của cà chua đang đến kỳ thu hoạch. Bà Lê Thị Hương cho biết: để giúp các thành viên được tiếp cận học nghề ngắn hạn, hợp tác xã phối hợp ngành chức năng vừa sản xuất nông nghiệp vừa áp dụng kiến thức đã được học vào hộ gia đình có thêm nghề phụ như nghề may, nghề thêu. Từ đó, các thành viên nhận biết được cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng lúc, đúng liều lượng; sử dụng phân bón cân đối để trồng rau an toàn; nhận biết được sâu bệnh trên đồng ruộng và kịp thời xử lý. Xác định việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là cơ sở để hợp tác xã phát triển mạnh và bền vững, thời gian qua, hợp tác xã Nhân Lý đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hiện hợp tác xã có 35 mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ năm 2013 đến nay gồm 25 mô hình các loại giống như: mô hình trồng hoa cúc, trồng ớt, khoai tây, ngô ngọt Thái Lan, giống lúa DQ11; 7 mô hình phân bón và các mô hình khác như: xử lý gốc rạ, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp và cơ giới hóa khép kín.
Mô hình trồng bí xanh của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN |
Là một trong những hội viên của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, gia đình chị Lê Thị Khang, có 1 mẫu đất chuyên canh hoa cúc. Theo chị Khang giá bán hoa cúc lúc chính vụ chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/bông nhưng khi trái vụ giá bán được 7.000 - 8.000 đồng/bông. Với giá bán như vậy, mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng trên hai trăm triệu đồng từ tiền bán hoa, tạo kinh tế ổn định cho gia đình. Còn tại hợp tác xã rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội, huyện Tam Dương việc thành lập và tổ chức sản xuất theo hình thức hợp tác xã không những đem lại hiệu quả tích cực cho các hộ thành viên mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi trên địa bàn. Được thành lập vào đầu năm 2017, Hợp tác xã rau an toàn Vân Hội Xanh hoạt động theo hình thức hợp tác xã kiểu mới, với 25 hội viên trên diện tích canh tác 5ha và dự kiến đến năm 2020 sẽ phát triển lên 50 ha. Mục tiêu của hợp tác xã là xây dựng thành công thương hiệu rau an toàn Vân Hội Xanh; xúc tiến đưa một số loại rau xanh có thế mạnh sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); đối với thị trường trong nước với mục tiêu hợp tác xã sẽ bao tiêu 100% sản phẩm cho các xã viên... Chị Dương Thị Quỳnh Liên - Giám đốc hợp tác xã rau an toàn Vân Hội Xanh cho biết, để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, hợp tác xã đã đầu tư xây dựng phòng và thiết bị bảo quản, sơ chế, đóng gói, để cung ứng sản phẩm cho các khách hàng với chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, hợp tác xã thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, tập huấn quy trình sản xuất theo hướng VietGAP và hỗ trợ cho các thành viên yên tâm sản xuất. Chính vì vậy, hợp tác xã tìm được thị trường ổn định, thu mua, bao tiêu đầu ra cho các thành viên. Ông Nguyễn Văn Nam, thôn Vân Giữa, xã Vân Hội cho biết, hiện gia đình ông đang có 7 sào đất chuyên trồng các loại cải Hongkong, cải thảo, ớt, bí xanh. Trước đây, gia đình ông phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm rau củ nên giá cả rất bấp bênh. Sau khi vào hợp tác xã, nông sản của gia đình ông Nam đã được hợp tác xã bao tiêu với giá cao hơn giá rau thường, nhờ đó thu nhập cao hơn gấp 1,5 lần. Chị Dương Thị Quỳnh Liên cho biết thêm, hiện nay, hợp tác xã rau an toàn Vân Hội Xanh Trung đã xây dựng được 2 điểm bán hàng cố định tại thành phố Vĩnh Yên, trung bình mỗi ngày hợp tác xã Vân Hội Xanh tiêu thụ hơn 1 tấn rau, củ, quả các loại. Sau một thời gian thử nghiệm, vừa qua hợp tác xã Vân Hội Xanh đã được đối tác VinEco hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến VinEco sẽ thiêu thụ 100% các sản phẩm của hợp tác xã khi đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 600 hợp tác xã; trong đó, có 345 hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi theo Luật hợp tác xã năm 2012. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã là 770 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân 124 triệu đồng, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 35 triệu đồng/năm. Theo ông Nguyễn Xuân Diệp Phó Giám đốc Liên minh Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng xây dựng phát triển các loại mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, phát triển các sản phẩm chủ lực theo thế mạnh của địa phương nhằm dịch chuyển cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Những mô hình hợp tác kiểu mới đã bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là những mô hình, điển hình với cách làm hay, có phương pháp quản lý và sản xuất kinh doanh tốt cần tiếp tục nhân rộng và phát triển. Cũng theo ông Diệp, để khu vực kinh tế tập thể ngày càng phát triển, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch hướng dẫn thành viên hợp tác xã chủ động đổi ruộng để tạo thửa lớn liền khoảnh đối với các thành viên trong hợp tác xã có gắn với chương trình dồn thửa đổi ruộng mà tỉnh đang chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện việc thuê lại đất của nhân dân để mở rộng sản xuất tập trung, có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, tạo sản phẩm cùng loại có tính hàng hoá nhằm tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.
Nguyễn Thị Thảo