Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ở Lai Châu cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TTXVN |
Sau khi chuyển đến các bản tái định cư, quỹ đất dành cho canh tác hoa màu đã bị thu hẹp khá nhiều. Chính bởi vậy, nuôi cá lồng là hướng đi mới, bước đầu đem lại hiệu quả cho người dân tại các bản tái định cư ở xã Nậm Mạ. Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, đến nay số lượng lồng cá của xã Nậm Mạ đã tăng lên gần 120 lồng.
Ông Đường Văn Đô, Chủ tịch UBND xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết, sau khi được Hội Nông dân huyện Sìn Hồ và Hội Nông dân tỉnh Lai Châu hỗ trợ 500 triệu đồng để làm 20 lồng nuôi cá, đến nay cả xã đã có 60 hộ nuôi cá lồng. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi của lòng hồ, người dân dựa vào đó để phát triển mô hình nuôi cá lồng, nhiều hộ đã thoát nghèo, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các giống cá được người dân nuôi phổ biến là cá Trê lai, cá Trắm cỏ, cá Chép, cá Lăng. Các hộ đã đánh bắt các loại cá tạp có giá trị thấp về phơi khô rồi làm thức ăn cho cá. Nhờ đó, chi phí nuôi cá của các hộ dân ở đây đã giảm đáng kể, nhiều hộ có thể giảm đến 40% chi phí so với việc nuôi ở ao thông thường. Việc nuôi cá lòng hồ đã giải quyết được phần nào công ăn, việc làm cho người dân trong xã, một số hộ còn trở nên khá giả hơn so với khi còn ở nơi ở cũ.
Ông Lai Văn Am, chủ hộ nuôi cá lồng bản Nậm Mạ 1, xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ, cho biết: “Sau khi chuyển lên vùng tái định cư, được Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ. Đến nay, gia đình có 32 lồng cá, đàn cá cũng phát triển nhanh và cho thu nhập cao, nhờ đó kinh tế ngày càng ổn định.”
Ông Vàng Văn Chơn, chủ hộ nuôi cá lồng ở bản Nậm Mạ 2, xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ, chia sẻ: “Trước đây mới nuôi cũng gặp nhiều rủi ro, cá chết do không nắm được quy trình kỹ thuật nuôi. Sau khi được huyện hỗ trợ cho đi tập huấn, học hỏi kinh nghiệm về mô hình nuôi cá lồng, bây giờ không còn tình trạng cá chết nữa. So với nghề khác, nuôi cá lồng không vất vả nhiều và đem lại hiệu quả kinh tế".
Mặc dù nuôi cá lồng đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao của xã Nậm Mạ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc chăn nuôi của người dân chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và các lồng bè làm chủ yếu là bằng tre nên độ an toàn cho lồng cá chưa cao. Để mô hình này được nhân rộng, cần có định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường chứ không ồ ạt, dẫn tới khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Hơn nữa, các phòng, ban có chuyên môn cũng cần hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sử dụng các loại thức ăn phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cũng như tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Các cấp, các ngành cần quy hoạch vùng nuôi, quản lý nguồn nước, mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh thủy sản; tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư mở rộng sản xuất, giúp nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững.
Ông Đường Văn Đô, Chủ tịch UBND xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ, cho biết thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đề nghị với huyện tạo điều kiện, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đặc biệt là giúp người dân tìm đầu ra cho sản phẩm… góp phần phát triển hơn nữa mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ, thoát đói, giảm nghèo bền vững.
Cùng với sự nỗ lực thoát nghèo của các hộ dân tái định cư và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nghề nuôi cá lồng của người dân xã Nậm Mạ tiếp tục phát triển, có điều kiện vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình, giữ vững niềm tin vào chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La của Đảng và Nhà nước.
Công Tuyên