Hiệu quả kinh tế từ trồng nho Hạ Đen

Hiệu quả kinh tế từ trồng nho Hạ Đen

Sau gần 3 năm triển khai trồng mô hình nho Hạ Đen ở xã Hua Nà, huyện Than Uyên (Lai Châu) bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập. Từ đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Hiệu quả kinh tế từ trồng nho Hạ Đen ảnh 1Chủ tịch UBND xã Hua Nà, huyện Than Uyên (Lai Châu) Lê Thị Hạnh thu hoạch nho. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Nằm ngay bên cạnh con đường bê tông dẫn vào cánh đồng bản Đán Đăm, xã Hua Nà, vườn nho Hạ Đen của nhóm cán bộ xã Hua Nà và Huyện đoàn Than Uyên toàn "chùm nhiều hơn lá". Cây nào cũng lủng lẳng những chùm nho trĩu quả và đang trong độ chín, thu hút nhiều người tham quan, học hỏi. Năm nay là năm thứ hai vườn nho cho thu hoạch quả.

Tháng 10/2020, nhóm cán bộ xã Hua Nà và Huyện đoàn Than Uyên đã mạnh dạn đầu tư kinh phí hơn 300 triệu đồng để mua 500 cây nho Hạ Đen giống về trồng trên đất ruộng ở bản Đán Đăm. Đây là mô hình trồng nho Hạ Đen đầu tiên ở tỉnh Lai Châu.

Hiệu quả kinh tế từ trồng nho Hạ Đen ảnh 2Vườn nho hạ đen có diện tích 2.000m2 của nhóm cán bộ xã Hua Nà và Huyện đoàn Than Uyên tại bản Đán Đăm, xã Hua Nà, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Anh Lò Văn Hưởng - Giám đốc Hợp tác xã Hua Nà chia sẻ: "Trước khi trồng thử nghiệm nho Hạ Đen, chúng tôi đã có chuyến thăm, tìm hiểu thực tế tại một vườn nho Hạ Đen ở Sơn La. Sau đó, tiến hành trồng 2.000 m2 diện tích nho Hạ Đen. Để cây nho sinh trưởng, phát triển tốt, phải đầu tư làm nhà lưới, giàn có mái che, hệ thống tưới nhỏ giọt và mua cây giống từ trường Đại học Nông lâm Bắc Giang về trồng và chăm sóc".

Tuy nhiên, vụ đầu tiên nho Hạ Đen chưa đem lại hiệu quả như mong muốn do người trồng chưa hiểu hết đặc tính cũng như kỹ thuật chăm sóc loại cây này. Do đó, 500 cây nho Hạ Đen thí điểm trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt nhưng lại cho quả nhỏ và không đồng đều, cây có, cây không. Nguyên nhân là cây phát triển quá nhiều thân và lá nên không đủ dinh dưỡng để nuôi quả.

Rút kinh nghiệm từ thất bại vụ đầu, sau khi cắt, tỉa bớt cành toàn bộ cây nho trong vườn, nhóm cán bộ xã Hua Nà và Huyện đoàn Than Uyên chú tâm chăm sóc và theo sát sao từng giai đoạn sinh trưởng của cây; đồng thời bổ sung dinh dưỡng hợp lý để chủ động cho cây ra hoa, ra quả. Nhờ đó, bước sang vụ thứ 2, vườn nho sinh trưởng, phát triển tốt, cho nhiều chùm, quả to, đều. Ai cũng phấn khởi, tin tưởng vào thành công của mô hình.

Hiệu quả kinh tế từ trồng nho Hạ Đen ảnh 3Nho hạ đen vụ này cho quả to, đều và ngọt được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN
Hiệu quả kinh tế từ trồng nho Hạ Đen ảnh 4Nho hạ đen được bán với giá dao động từ 160-180.000 đồng/kg, giá trị thu về từ 200-300 triệu đồng/vụ. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN
Hiệu quả kinh tế từ trồng nho Hạ Đen ảnh 5Sản phẩm nho hạ đen chủ yếu bán cho người dân trong huyện Than Uyên và tỉnh Lai Châu. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Anh Hưởng chia sẻ thêm, trồng nho Hạ Đen cần chú trọng về khâu kỹ thuật, trước khi đưa cây giống vào trồng, cần phải làm sạch cỏ và cày bừa kỹ đất; sau đó, làm luống và đào hố trồng. Kích thước luống rộng khoảng 1,5 m, cao khoảng 25-30 cm, khoảng cách trồng cây cách cây 1 m và hàng cách hàng 3 m; sử dụng phân lân NPK, phân chuồng hoai mục và phân vi sinh để bón lót cho vườn nho. Trong quá trình chăm sóc, cứ cách một tháng sẽ bón phân một lần, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây sinh trưởng và phát triển.

Trong quá trình chăm sóc, cần thường xuyên tỉa bớt các lá già, sâu bệnh, lá bị che khuất tầng dưới. Để chùm nho đều quả, phát triển cân đối, phải thường xuyên tỉa quả, cắt bỏ những quả bị chèn ép vào nhau khi quả nho còn xanh. Đây là công đoạn quyết định chất lượng, hình dáng chùm nho sau này.

Ngoài bón phân cân đối, hợp lý với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây nho, nhóm cán bộ xã Hua Nà và Huyện đoàn Than Uyên còn thường xuyên tưới nước, đảm bảo độ ẩm thích hợp cho vườn nho phát triển. Việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại vườn cũng được nhóm cán bộ thực hiện mô hình chú trọng, chủ yếu sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng, trừ sâu bệnh hại.

Được trồng trong nhà lưới, có mái che cẩn thận và được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, đến nay vườn nho Hạ Đen của nhóm cán bộ xã Hua Nà và Huyện đoàn Than Uyên sinh trưởng, phát triển tốt, cho nhiều chùm, quả sai và to.

Bí thư Huyện đoàn Than Uyên Đỗ Văn Tuấn cho biết, sau gần 3 năm trồng nho Hạ Đen cho thấy, nho Hạ Đen là một trong những giống nho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện. Đồng thời, cho năng suất chất lượng cao mang lại giá trị kinh tế cao. Đây là một trong những loại cây trồng có thể mở rộng và mang lại tiềm năng lớn trên địa bàn. Hiệu quả kinh tế mỗi năm cho 2 vụ Xuân Hè và Thu Đông với trên 2.000 m2 diện tích, mỗi vụ cho năng suất từ 1,5 - 1,8 tấn quả và bán với giá dao động từ 160-180.000 đồng/kg; giá trị thu về từ 200-300 triệu đồng; tạo công ăn việc làm cho từ 3-5 lao động địa phương thường xuyên với mức lương từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Hiệu quả kinh tế từ trồng nho Hạ Đen ảnh 6Ngoài việc thu hoạch quả, vườn nho còn phục vụ cho hoạt động du lịch trải nghiệm. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Hiện sản phẩm nho Hạ Đen chủ yếu cung ứng ra thị trường trong huyện Than Uyên và tỉnh Lai Châu. Đa số là phục vụ cho hoạt động du lịch trải nghiệm trên địa bàn để người dân và du khách tham quan, trải nghiệm ăn thử nho tại vườn; giúp khách hàng hiểu thêm quá trình tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Diện tích nho hiện nay chưa đủ cung cấp cho thị trường trong huyện và tỉnh nên thời gian tới nhóm tiếp tục mở rộng, phát triển thêm diện tích và thử nghiệm sang trồng thêm giống nho mẫu đơn, nho móng tay. Đặc biệt, nhóm hướng tới mục tiêu đăng ký sản phẩm OCOP của tỉnh, đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và hỗ trợ người dân tiếp cận, làm chủ kỹ thuật trồng nho hạ đen nhằm mở rộng vùng chuyên canh" - Bí thư Huyện đoàn Than Uyên cho biết thêm.

Đánh giá về mô hình này, Chủ tịch UBND xã Hua Nà Lê Thị Hạnh nhấn mạnh, nho Hạ Đen khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn và cho năng suất giá trị sản phẩm cao. Đây là mô hình có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân. Xã tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích, hướng tới mô hình du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp.

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm