Ông Trương Trọng Ngân, thôn Loan Hương, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đang phát cỏ trên diện tích rừng trồng của gia đình. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN |
Ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải là nơi chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Người dân nơi đây thường sống quần tụ thành từng bản. Mỗi bản có khoảng vài chục nóc nhà trên các triền núi cao. Vì thế, việc đi lại của họ gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai, người dân nơi đây có thêm thu nhập và chủ động góp tiền, ngày công lao động để cùng nhau xây đường bê tông về bản. Cùng với đó, việc bảo vệ rừng cũng được nâng lên, không còn xảy ra tình trạng phá rừng. Toàn xã có gần 9.000 ha diện tích đất rừng; trong đó, rừng đặc dụng là 2.800 ha. Còn lại là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và sản xuất có hơn 6.000 ha. Xã có 1.572 hộ gia đình; trong đó, có 1.500 hộ được hưởng chính sách chi trả dịch môi trường rừng, với số tiền hơn 3 tỷ đồng/mỗi năm. Ông Lý A Lù, Phó Chủ tịch UBND xã Lao Chải cho biết, từ khi người dân trong xã được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, đời sống của đồng bào ngày được cải thiện. Đồng bào Mông trong xã đã góp tiền, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn về các thôn, bản. Cứ vào dịp cuối năm khi bà con nhân dân được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng thì mỗi hộ gia đình đều góp 200.000 đồng và ngày công lao động để xây đường bê tông, đến nay toàn xã cũng xây dựng được hơn 20 km đường bê tông rộng từ 0,8 - 1 mét về các thôn bản. Trước đây, mỗi khi trời mưa đường rất trơn nếu không cẩn thận có thể bị trượt xe xuống vực, nguy hiểm đến tính mạng của người dân, nếu cán bộ vào bản mà gặp mưa thì phải ở lại nhà bà con. Từ khi có con đường bê tông này, việc đi lại của bà con nhân dân và các cháu học sinh được thuận lợi, an toàn. Bà Sùng Thị Giàng, bản Dào Xa, xã Lao Chải phấn khởi, từ khi có con đường bê tông này, việc đi lại của bà con trong bản thuận tiện hơn nhiều. Trời mưa không phải dắt xe, hay đi bộ. Bây giờ lúc nào muốn đi chợ ở trung tâm huyện cũng được mà không cần phải chờ ngày nắng; các cháu học sinh không còn phải chịu cảnh lầy lội mỗi khi đến trường vào những hôm trời mưa. Hiện nay, toàn huyện Mù Cang Chải đã kiên cố được 112km đường bê tông rộng 3 - 3,5 mét và gần 100km đường rộng từ 0,8 - 1 mét; trong đó, gần 100km đường rộng 0,8 - 1 mét là do người dân chủ động xây dựng. Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng bà con đã chủ động góp tiền, góp ngày công lao động xây được những con đường nhỏ về thôn bản; đồng thời, đóng góp bổ sung thêm vào nguồn kinh phí của Nhà nước để nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới. Huyện Mù Cang Chải hiện có hơn 80.200 ha rừng, trong đó hơn 60.000 ha rừng tự nhiên và hơn 20.000 ha rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 67%. Đây là nơi dự trữ nguồn nước cung cấp nước cho các con sông con suối như Sông Đà, Sông Hồng, Nậm Tha… Năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã chi trả cho người dân Mù Cang Chải trên 44 tỷ đồng; trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải 30 tỷ, Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Mù Cang Chải 14 tỷ. Ông Nguyễn Tư Khoa, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ, huyện Mù Cang Chải, cho biết, hiện nay Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải đang quản lý hơn 46.000 ha rừng; trong đó có 13.604 ha rừng trồng, 31.891 ha rừng tự nhiên. Mỗi năm trồng mới từ 500 - 1.000 ha rừng. Những năm qua, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại lợi ích kép cho người dân, một mặt giúp đồng bào Mông trong huyện nâng cao mức thu nhập và có điều kiện xây dựng đường bê tông, mặt khác giúp họ nâng cao ý thức bảo vệ rừng và có trách nhiệm để giữ màu xanh cho những cánh rừng. Trước khi triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải thường xuyên xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng để làm nương rẫy, mua bán lâm sản trái phép. Từ khi triển khai chính sách này, các vụ cháy rừng đã giảm rõ rệt, so với năm 2012, số vụ cháy rừng đã giảm trên 80%. Bởi khi được giao khoán bảo vệ rừng, người dân nơi đây bước đầu có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng. Đối với việc phòng chống cháy rừng, hàng năm xã Lao Chải phối hợp với 14 thôn, bản trong xã để lập chòi canh lửa (toàn xã có 10 chòi canh lửa); trong thời gian mùa hanh khô (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau), tại các chòi đều có cán bộ kiểm lâm và người dân tăng cường trực 24/24, để chủ động phòng chống cháy rừng; đồng thời, tuyên truyền cho các hộ dân ký cam kết phòng cháy và bảo vệ rừng. Nhờ đó, ý thức bảo vệ rừng của người dân trong xã được nâng cao. Trong 5 năm trở lại đây, trong xã không còn xảy ra tình trạng phá rừng và cháy rừng. Để tiếp tục nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải và Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã ký hợp đồng với các nhóm hộ bảo vệ rừng ngay từ đầu năm theo quy định hiện hành. Ban quản lý rừng và Hạt kiểm lâm huyện hiện đã ký 163 hợp đồng với đại diện các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân. Ngoài việc tuyên truyền phổ biến pháp luật bảo vệ và phát triển rừng tới người dân, huyện Mù Cang Chải thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra việc thi hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; thường xuyên nắm bắt thông tin, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không để xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán lâm sản trái pháp luật. Có thể thấy, những năm qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc quản lý và bảo vệ rừng. Không những vậy, chính sách này còn mang lại lợi ích cho người dân, đặc biệt là người dân vùng cao, giúp họ ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn thêm khởi sắc.
Việt Dũng