Theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện tượng “mù khô” đang xảy ra là do cháy rừng tại Indonesia gây ra. Do hiện tượng này, lớp tro và bụi sẽ khuếch tán vào không khí, khi gặp những nơi có độ ẩm cao sẽ tạo thành những dung dịch hỗn hợp có tính kiềm. Khi hít vào cơ thể những dung dịch này có thể ảnh hưởng đến đường hô hấp. Những trường hợp nhẹ sẽ gây đỏ niêm mạc mắt, xuất huyết mũi, chảy nước mũi, hắt xì…
Hiện tượng“mù khô” xuất hiện tại thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng- TTXVN |
Đối với những người có cơ địa dễ dị ứng hoặc hệ thống miễn dịch kém thì gây kích thích niêm mạc đường hô hấp. Lớp bụi tro nhỏ trong không khí bị ô nhiễm này có thể đi sâu xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, co thắt phế quản. Đối với những người có bệnh mạn tính về hô hấp, dị ứng đường hô hấp hay hen suyễn, trong không khí như thế này bệnh có thể chuyển nặng, viêm nhiễm.
Trong thời điểm giao mùa hiện nay, bệnh lý hô hấp vốn đã nhiều, cộng thêm hiện tượng này đã khiến trẻ nhập viện nhiều hơn. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, số bệnh nhi đến khám và nhập viện với các triệu chứng về hô hấp những ngày qua luôn nằm trong top đầu cùng với sốt xuất huyết và tay chân miệng
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hiện tượng mù khô sẽ tiếp tục trong vài ba ngày tới nhưng mật độ giảm dần, nhất là khi xuất hiện các cơn mưa lớn, khói bụi sẽ chìm xuống. Ngay trong ngày 8/10, hiện tượng này được ghi nhận xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam bộ.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi ở nhà nên đóng kín cửa để tránh bụi mù. Khi ra ngoài đường nên đeo khẩu trang, mắt kính để hạn chế hít phải khói bụi ô nhiễm. Người dân có thể rửa mũi bằng cách nhỏ nước muối sinh lý, súc miệng bằng nước muối loãng để phòng ngừa bệnh./.