Nhằm tìm kiếm, phát hiện những nhân tố, ý tưởng khởi nghiệp hay, triển vọng, từ năm 2017, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã phát động Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên”. Từ đó, nhiều mô hình hay, ý tưởng sáng tạo đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Nhiều bạn trẻ dám dấn thân, đương đầu với thử thách để mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Là một trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn, Huyện Đoàn Như Thanh xác định phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế trong đoàn viên, thanh niên là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong đó, Huyện Đoàn khuyến khích, đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ, hợp tác xã thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế. Hiện toàn huyện có 14 Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp với tổng số 295 thành viên.
Năm 2020, với ý tưởng “Xây dựng thương hiệu và bảo tồn, phát triển cây đào phai xã Xuân Du gắn với dịch vụ du lịch trải nghiệm”, anh Hoàng Văn Tuấn, Bí thư Đoàn xã Xuân Du, huyện Như Thanh đã giành giải Nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên" tỉnh Thanh Hóa lần thứ VII. Từ ý tưởng trên cùng với việc mở rộng diện tích trồng đào phai, anh Hoàng Văn Tuấn mạnh dạn đầu tư lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới tự động… để trồng thêm rau, củ, quả hữu cơ cho thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho từ 5 đến 7 lao động.
Anh Hoàng Văn Tuấn cho biết, “Ý tưởng khởi nghiệp” chính là nền tảng, động lực để đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp thành công và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Hiện nay, trong cộng đồng khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ có những ý tưởng rất táo bạo. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công, bên cạnh sự nhiệt tình, các doanh nghiệp nhỏ, thanh niên trẻ cần sự định hướng của các doanh nghiệp đi trước về tư duy thị trường, quản trị vốn, quản trị sản xuất; đồng thời cần có sự quan tâm hơn nữa về cơ chế chính sách, đặc biệt là về vốn vay ưu đãi để các ý tưởng có thể đi vào thực tế…
Năm 2019, anh Lê Trọng Thiện, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại thiết bị công nghiệp Việt và các bạn đã xuất sắc giành giải Nhất tại Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV với ý tưởng "Thiên Phú smart Airfarm - chế tạo máy phục vụ tự động hóa nghề nấm".
Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện, năm 2020, sản phẩm “Lò hấp phôi nấm tự động” của Công ty đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh giai đoạn 2020-2022” và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao giải Ba cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” toàn quốc. Ý tưởng sáng tạo của anh Lê Trọng Thiện cùng bạn đã làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng. Theo đó, năm 2021, doanh thu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại thiết bị công nghiệp Việt đạt 2,8 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức lương từ 6 - 12 triệu đồng. Hiện Công ty cung cấp sản phẩm cho 35 tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 2022, Công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nghiên cứu, chế tạo một số loại thiết bị mới như: máy đóng bịch liên hoàn tự động trong sản xuất nấm kim châm, nấm đùi gà...
Anh Lê Trọng Thiện cho biết, Giải thưởng “Ý tưởng khởi nghiệp” chính là nguồn động lực, cổ vũ tinh thần và mở ra những cơ hội mới trên hành trình khởi nghiệp của anh. Đây là cuộc thi bổ ích, có ý nghĩa thiết thực rất cần được lan toả và nhân rộng.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, tổng số dự án khởi nghiệp sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trên toàn tỉnh được hỗ trợ là 795 dự án; trong đó, 283 dự án với tổng kinh phí là 30 tỷ từ nguồn tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; 27 dự án được hỗ trợ từ nguồn vốn vay quốc gia giải quyết việc làm; 18 ý tưởng khởi nghiệp được 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận đỡ đầu, tài trợ… Bên cạnh đó, 20 hộ thanh niên được hỗ trợ ứng dụng khoa học vào sản xuất, kinh doanh với nguồn vốn 8,5 tỷ đồng từ chương trình phối hợp giữa tỉnh đoàn cùng Sở Khoa học và Công nghệ… Thanh Hóa có 31 sản phẩm từ các mô hình khởi nghiệp do đoàn viên, thanh niên làm chủ được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Doanh nghiệp do đoàn viên, thanh niên làm chủ hiện chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp trong tỉnh thành lập mới mỗi năm.
Có thể nói, từ các “Ý tưởng khởi nghiệp” trên giấy, nhờ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều ý tưởng sáng tạo đã được các đoàn viên, thanh niên áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, để phong trào khởi nghiệp phát triển, lan tỏa mạnh mẽ, đi vào thực chất, chiều sâu, hướng tới giá trị bền vững, các cấp, các ngành có liên quan cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về vốn, cơ chế, chính sách; qua đó mở ra nhiều cơ hội phát triển cho đoàn viên, thanh niên đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước...
Khiếu Tư