Hậu Giang xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật đánh giá sản phẩm OCOP

Kinh tế nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang phát triển và chuyển dịch tích cực, đã và đang có sản phẩm sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng mở rộng với nhiều tiến bộ kỹ thuật mới. Đây là những lợi thế, tiềm năng để Hậu Giang phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

vna_potal_hau_giang_phat_trien_chuong_trinh_moi_xa_mot_san_pham__7626708.jpg
Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Đến nay, Hậu Giang đã đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho 266 sản phẩm OCOP, với 125 chủ thể đăng ký tham gia; trong đó có 18 công ty chiếm; 36 hợp tác xã chiếm; 71 cơ sở, hộ kinh doanh. Tỉnh có 92 sản phẩm OCOP 4 sao, 174 sản phẩm OCOP 3 sao, 11 sản phẩm đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương. Hiện sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong nước, một số sản phẩm đã xuất khẩu thị trường EU, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Tuy nhiên, hạ tầng nông thôn của tỉnh hiện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, kết nối kinh tế nông thôn - đô thị còn hạn chế. Cùng với đó, việc phát triển nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn của tỉnh thực hiện chưa nhiều. Nhất là tiềm năng để nâng hạng sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao của tỉnh còn khá ít.

Cùng với đó, năng lực sản xuất đảm bảo cho xuất khẩu; việc quản trị, kiến thức quản lý, kinh nghiệm phát triển thị trường, năng lực về phát triển thị trường của các chủ thể OCOP của Hậu Giang cũng đang được đánh giá ở mức trung bình.

vna_potal_hau_giang_phat_trien_chuong_trinh_moi_xa_mot_san_pham__7626707.jpg
Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, là về nông nghiệp, nông thôn, nguồn vốn Trung ương phân bổ cho chương trình và ngân sách địa phương để tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn theo chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở các xã.

Đồng thời, Văn phòng Điều phối các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các địa phương phát triển sản phẩm, tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Cùng với đó, tham mưu hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh kiểm tra hồ sơ sản phẩm OCOP cấp huyện và tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh tỉnh tổ chức công bố sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao cấp tỉnh.

Tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, qua các cổng thông tin điện tử, truyền thông mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài. Cũng như khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các gói combo quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP, gắn với lịch sử văn hóa, dân tộc và địa phương.

vna_potal_hau_giang_phat_trien_chuong_trinh_moi_xa_mot_san_pham__7626704.jpg
Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Bà Võ Thị Phương Trang, Chủ Cơ sở sản xuất rượu Út Tây ở thị trấn Rạch Gòi (Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), chủ thể sản phẩm OCOP 4 sao Lão Tửu Út Tây cho biết, đến nay, cơ sở đã có bốn sản phẩm 4 sao; trong đó, có một sản phẩm đã hai lần đạt 4 sao, 3 sản phẩm OCOP tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long.

Có được thành quả cũng là nhờ các ngành, địa phương hỗ trợ tích cực cho cơ sở về hồ sơ, bao bì, nhãn mác, dây chuyền sản xuất, trang thiết bị; các chủ thể OCOP được hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 sẽ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp ở những vùng có điều kiện lợi thế.

Theo đó, tỉnh đưa chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, công nhận sản phẩm OCOP vào chương trình công tác, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của đơn vị, địa phương. Tỉnh tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo hoàn thành, chỉ tiêu kế hoạch. Các địa phương chủ động, tích cực, linh động thực hiện và không chủ quan nóng vội, chạy theo thành tích.

Đối với các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và vừa. Cũng như rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP; thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Năm nay, tỉnh Hậu Giang phấn đấu đối với sản phẩm huyện, thị xã, thành phố, mỗi đơn vị cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 5 sản phẩm đạt 3 - 4 sao sản phẩm OCOP cấp huyện; trong đó, có ít nhất 1 sản phẩm đạt 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Đối với sản phẩm cấp tỉnh công nhận ít nhất 8 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao; thăng hạng ít nhất 25% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh; tái công nhận đối với sản phẩm OCOP hết thời gian chứng nhận; hoàn thiện hồ sơ cho 3 sản phẩm OCOP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp Quốc gia.

Duy Ba

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm